Làm thế nào để sinh tồn khi bị lạc?

  •   53
  • 3.457

Có thể do mải mê công việc khảo cứu hay truy đuổi theo dấu vết của con mồi mà bạn thất lạc giữa rừng sâu. Hoặc bạn đi chậm chân rồi tụt hậu sau đoàn lữ hành và bị mất dấu mà không ai biết. Hay đang đi cắm trại, thám hiểm mà bị lũ cuốn trôi dạt vào một nơi hoang vu, mất hết hành lý. Cũng có thể bạn lo trốn chạy, đào thoát khỏi tay kẻ địch hay "thú dữ" đang truy đuổi, mà rơi vào một nơi hoàn toàn xa lạ.

Có hai trường hợp thất lạc thường gặp:

Thất lạc không người tìm kiếm

Trường hợp vì một lý do nào đó mà các bạn bị thất lạc, nhưng không có ai biết để tổ chức những cuộc tìm kiếm, và vì các bạn không chuẩn bị cho những vật dụng cần thiết (hoặc nếu có thì cũng không đầy đủ), cho nên các bạn phải đặt mục tiêu hàng đầu là thoát ra khỏi vùng nguy hiểm càng sớm càng tốt, các bạn phải tìm cho bằng được con đường ngắn nhất đưa các bạn tới khu dân cư hay vùng an toàn gần nhất.

Khi bị lạc, trước hết hãy định phương hướng để tìm đường.
Khi bị lạc, trước hết hãy định phương hướng để tìm đường.

Trong cơn hoảng loạn, các bạn sẽ không còn bình tĩnh để cân nhắc suy xét, nên dễ đưa đến việc đi lòng vòng quanh quẩn trong khu rừng, có khi sau một hồi loanh quanh, các bạn lại quay trở về vị trí lúc ban đầu, mà trong dân gian thường gọi là bị "ma dắt". (hiện tượng bước ngắn bước dài khiến chúng ta có khuynh hướng đi thành hình tròn khi trong rừng).

*Cách định hướng - tìm hướng

Để làm được điều đó, các bạn có nhiều cách:

Trước tiên, các bạn chọn một điểm cao nhất trong khu vực như: cây cao, đỉnh đồi, gộp đá... để leo lên đó mà quan sát.

Khi trèo cây, để được an toàn, các bạn phải trèo sát vào thân cây, đặt bàn chân sát vào nách của cành cây, tay bám vào những cành chắc chắn, cơ thể của các bạn lúc nào cũng ở trên 3 điểm chịu lực (1 chân và 2 tay hay 1 tay và 2 chân).

Nếu ban ngày, các bạn có thể thấy một vài đặc điểm của khu dân cư như: ngọn tháp, cao ốc, đồng ruộng, nhà cửa, khói ... Nếu ban đêm, các bạn có thể thấy ánh lửa, đèn điện... Những nơi có phố thị, dù ở thật xa, thì ban đêm ánh sáng cũng hắt lên bầu trời một vùng như hào quang.

Nếu khu dân cư ở gần, khi rừng yên ắng, các bạn có thể lắng nghe văng vẳng những tiếng động lớn như còi xe, còi tàu...

Thế nhưng nếu chúng ta không thể thấy hay không thể nghe gì thì phải làm sao?

Các bạn hãy cố tìm cho ra một con suối hay một con sông và đi xuôi theo hướng nước chảy về phía hạ lưu. Tuy không dễ dàng gì vì sông suối không bao giờ chảy theo đường thẳng nên lộ trình di chuyển bao giờ cũng dài hơn rất nhiều.

Cố tìm một con suối hay con sông.
Cố tìm một con suối hay con sông. (Ảnh: Patti Perkinson).

Nếu gặp con suối cạn, thì các bạn có thể đi theo lòng suối, vừa dễ di chuyển, vừa có hy vọng gặp suối lớn hay sông (và nhiều cơ may tìm thấy nước trong các mạch nước hay những vũng nhỏ).

Để tìm ra sông hoặc suối, các bạn có thể trèo lên một điểm cao để quan sát, nếu thấy nơi nào có hàng cây xanh chạy dài (nhất là vào mùa khô, thì hy vọng nơi đó có suối hay sông). Hoặc các bạn di chuyển đổ xuống theo triền dốc của sườn núi hay sườn đồi. Ở cuối dốc, thường có khe hoặc suối nhỏ. Nếu theo dòng chảy, các bạn sẽ gặp sông suối lớn hơn.

Chúng ta di chuyển men theo suối vì mọi con suối đều đổ ra sông, mà dọc hai bên sông thường có những khu dân cư hay làng chài hoặc có thể gặp thuyền của ngư dân, của người đi rừng... các bạn sẽ có cơ may được cứu thoát.

Trong lúc đang di chuyển, nếu gặp một con đường mòn thì vận may của các bạn sẽ được nhân lên. Tuy nhiên, các bạn cũng cần xem xét đó là đường mòn cũ hay mới, do người hay thú rừng tạo nên, đường mòn dẫn vào rừng sâu hay đưa ra khu dân cư

Các bạn phán đoán bằng cách quan sát những nhánh rẽ của con đường, nếu đi sâu vào rừng thì thường có hình chữ V thuận, ngược lại, nếu dẫn ra khu dân cư thì nó có hình chữ V nghịch. Nếu không phán đoán được, các bạn di chuyển cho đến khi gặp một con suối cắt ngang qua đường mòn thì có thể trụ lại chờ người đi qua. Vì ở đây, chúng ta có nước uống và cũng có thể để tìm thấy thức ăn ven suối. Nhưng nếu các bạn cảm thấy mình còn đủ khả năng thì sau khi nghỉ ngơi và chuẩn bị đầy đủ nước uống mang theo, chúng ta sẽ lên đường đi tiếp, hãy tin rằng; nơi có người ở không còn xa lắm đâu.

Thất lạc có người tìm kiếm

Trước khi vào nơi hoang dã, bạn đã báo tin cho ai đó, nhưng đến ngày hẹn mà các bạn không về... Bạn rời khỏi nhóm, đi đâu đó rồi bị lạc... Bạn được giao đi làm nhiệm vụ ở một nơi xa lạ rồi mất tích... và những trường hợp tương tự như trên, thì người ta sẽ tổ chức những đội cứu hộ đi tìm kiếm các bạn. Nhưng còn bạn? Bạn phải hành động như thế nào?

Trong khi chờ người đến cứu, các bạn hãy làm theo những lời khuyên sau đây:

  • Ở yên tại chỗ, nếu các bạn không tìm được đường ra và chắc chắn mọi người sẽ phát hiện ra được sự mất tích của các bạn và sẽ tổ chức tìm kiếm. Điều nầy rất cần thiết cho các bạn, vì nó hạn chế sự tiêu hao sức lực, năng lượng... trong khi các bạn đang thiếu thốn thực phẩm và có thể bị tổn thương.

Khi bị lạc, hãy ở yên tại chỗ.
Khi bị lạc, hãy ở yên tại chỗ. (Ảnh: number1.com)

  • Tìm hiểu môi trường xung quanh, để có thể phát hiện nguồn nước, thực phẩm, chỗ trú ẩn, củi...
  • Dựng lên một chỗ trú ẩn tiện nghi thoải mái, sẽ làm cho các bạn an tâm, thư giãn, bớt căng thẳng, lo sợ...
  • Tạo ra các dấu dễ nhận thấy để cho những người đi tìm kiếm các bạn (hoặc phi cơ bay ngang qua) dễ dàng nhận ra nơi ở của các bạn như: Đốt lửa (ở nơi trống trải), căng những tấm vải màu, quần áo, nón mũ... lên cao hoặc nơi dễ thấy.
  • Gây ra tiếng động lớn như: thổi còi, gõ vào những thân cây rỗng, đốt tre để nguyên cây (sẽ gây ra những tiếng nổ lớn), bắn súng (nếu có).
  • Giữ lửa cháy luôn luôn nếu nguồn củi hay nhiên liệu cho phép, để làm tín hiệu, xua đuổi thú dữ (nhưng phải đề phòng cháy rừng)
  • Kiên nhẫn và thận trọng. Đừng nóng nảy vội vàng cố sức tìm đường thoát ra, vì có thể làm cho các bạn lạc càng ngày càng xa hơn, gây thêm khó khăn cho những người đi tìm kiếm các bạn.
  • Hãy an tâm vì cơ thể của các bạn có thể chịu đựng sự thiếu nước trong 3 ngày và thiếu thực phẩm trong 3 tuần. Điều các bạn cần phải làm là ở yên tại chỗ, người ta sẽ tìm thấy các bạn.

Vậy cần phải làm gì để hạn chế thấp nhất khả năng bị lạc?

Trước khi vào rừng hay nơi hoang dã

Trước khi vào rừng, cần phải có kiến thức về rừng.
Trước khi vào rừng, cần phải có kiến thức về rừng. (Ảnh: 500px.com).

  • Thông báo cho người thân (hay giới chức có thẩm quyền) biết các bạn sẽ đi đâu? Làm gì? Lộ trình dự kiến?... và khi nào thì các bạn về?
  • Tập thành thói quen mang theo trong người những vật dụng cần thiết như: dao xếp (đa năng), bật lửa, địa bàn... nhất là những người thường xuyên đi rừng.
  • Học tập và rèn luyện khả năng sử dụng tối đa mọi trang bị, thông thạo về các kỹ năng mưu sinh thoát hiểm, biết các phương pháp sử dụng bản đồ và địa bàn, có kiến thức về thiên nhiên.
  • Biết cách xử lý các trường hợp sơ cứu khẩn cấp và chữa trị bệnh tật.

Khi vào rừng

1. Có bản đồ

  • Cứ mỗi 20 – 30 phút, kiểm tra lại điểm đứng của các bạn trên bản đồ, so sánh xem có phù hợp với cảnh quang thực tế chung quanh hay không?
  • Theo dõi và so sánh hướng gió và hướng di chuyển của các bạn, nếu thấy gió bị lệch hướng so với lúc ban đầu, hãy kiểm tra lại hướng di chuyển.
  • Ghi nhớ thời gian và tốc độ di chuyển của các bạn, để ước tính đoạn đường đã vượt qua.
  • Đánh dấu trên bản đồ những điểm đặc biệt dễ nhận thấy (nhưng không có in trên bản đồ) như: cây đại thụ, gộp đá, dị hình, gò mối, hang đá, túp lều thợ rừng, mạch nước...

Nên có bản đồ khi đi vào rừng.
Nên có bản đồ khi đi vào rừng. (Ảnh: depositphoto).

2. Không có bản đồ

  • Để lại dấu vết dễ nhận thấy làm tín hiệu trên đường đi của các bạn như: vạt một nhát dao vào thân cây, bẽ gãy những cành cây, cột túm những bụi cỏ cao, sắp xếp đá hay cành cây theo một quy ước, cột vải vụn lên các cây nhỏ... Những dấu hiệu nầy phải dễ dàng phân biệt được với những dấu vết do thú vật hay thiên nhiên tạo ra.
  • Phác thảo một sơ đồ, ghi chép những điểm đặc biệt của địa thế, những điểm chủân của địa hình, các cảnh quang đặc biệt, đánh dấu những lần đổi hướng.
  • Theo dõi và ghi nhớ hướng gió, hướng mặt trời, mặt trăng lặn mọc, quan sát các chòm sao....

Kết

Hãy luôn luôn ghi nhớ: mục đích của chúng ta là sự sống còn, vậy hãy tự nâng đỡ minh bay bổng bằng những "giấc mơ đẹp", bằng những "dự án lớn" cho tương lai. Chính những điều nầy sẽ tạo cho các bạn sức mạnh để vượt qua hoàn cảnh hiện tại.

Hãy nhớ khi cô độc trong rừng sâu, nếu các bạn không biết để cho đầu óc bay bổng, không biết ứng biến, thì rừng sâu sẽ nhấn chìm các bạn trong nỗi sợ hãi.

Cập nhật: 06/06/2016 Theo vntinnhanh
  • 53
  • 3.457