Giải mã hiện tượng người chết sững vì sợ hãi

  •   3,52
  • 4.408

Trong tự nhiên, nỗi sợ hãi là bản năng nguyên sơ giúp bảo vệ động vật khỏi những kẻ thù ăn thịt. Tuy nhiên, đối với con người, xúc cảm này có thể phức tạp hơn nhiều.

Ở người, nỗi sợ hãi có thể kích hoạt phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy", làm tăng nhịp tim, khiến các giác quan trở nên sắc bén và dâng trào năng lượng nhằm đối phó với các hiểm họa sinh tồn.

Đôi khi, mối đe dọa mãnh liệt đến mức có thể gây ra phản ứng "đóng băng" hay "chết sững người". Hiện tượng này có thể được hiểu là khi bộ não bị choáng ngợp hoặc là một cách giữ bất động nhằm ẩn nấp kẻ thù trong quá trình tiến hóa.

Giải mã hiện tượng người chết sững vì sợ hãi
Cảm giác sợ hãi đôi khi mãnh liệt đến mức có thể gây ra phản ứng "đóng băng" hay "chết sững người"

Hiện tại, các chuyên gia thần kinh đã khám phá chính xác cách thức bộ não kết nối hệ thống sinh tồn của nó với cột sống, khiến cơ thể "chết sững" khi đối mặt với nguy hiểm.

Như chúng ta đã biết, các ký ức được tiếp thu và lưu trữ ở một cấu trúc nhỏ trong bộ não, gọi là hạch hạnh nhân. Bất kỳ sự kiện gây náo động nào cũng sẽ kích hoạt các tế bào thần kinh ở vùng bên và tiếp đến là vùng chính giữa của hạch hạnh nhân. Các tín hiệu này sau đó được truyền tải nội bộ, trước khi kết nối với các tế bào thần kinh ở gốc não, trung tâm phụ trách phản ứng sợ hãi.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, vùng chất xám của não giữa (PAG) có thể kích hoạt những phản ứng như "đóng băng", tăng nhịp tim và áp huyết cũng như mong muốn chiến đấu hoặc bỏ chạy. Nghiên cứu của Đại học Bristol (Mỹ) đã phát hiện ra một con đường hoạt động của bộ não từ vùng PAG dẫn tới vùng tháp kiểm soát vận động của tiểu não.

Các thử nghiệm cho thấy, vùng tháp của tiểu não có liên quan đến việc khởi phát hành vi chết sững khi ai đó đối đầu với nguy hiểm. Khám phá này được kỳ vọng có thể giúp phát triển những biện pháp chữa trị hữu hiệu đối với các rối loạn cảm xúc, chẳng hạn như sự lo âu, hoảng loạn hay ám ảnh sợ hãi.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 3,52
  • 4.408