Giải mã lòng vị tha

  •   52
  • 1.945

Các nhà khoa học đã xác định được tế bào “tử tế” ở khỉ, mở ra hy vọng nghiên cứu nền tảng thần kinh của lòng vị tha.

Tại sao động vật không hề ích kỷ? Tại sao những con vật tưởng chừng thua kém con người về mọi mặt nhiều khi lại tỏ ra tử tế hơn chúng ta? Kết quả nghiên cứu trước đây của các chuyên gia Đại học Miami (Mỹ) cho thấy, khỉ thà nhịn đói chứ không chịu kéo cầu dao giật điện đồng loại, và chuột không màng đến miếng ăn nếu phải làm hại những con chuột khác. Trong nghiên cứu mới, đăng trên chuyên san Nature Neuroscience, bản năng tốt nguyên thủy ở động vật có thể đã phát triển thành lòng vị tha ở người ngày nay, theo chuyên gia Michael Platt, nhà khoa học thần kinh của Đại học Duke (Mỹ).

Dù vậy, việc tìm hiểu cơ chế hoạt động não bộ liên quan đến tính cách này là điều không hề dễ dàng. Khi con người thực hiện những hành vi hào phóng như đóng góp cho từ thiện, những tín hiệu tưởng thưởng xuất hiện trong não, cũng giống như khi người đó ăn sô cô la hoặc làm gì đó khiến cơ thể thích thú. Tuy nhiên, rõ ràng là con người có cảm giác khác nhau giữa chuyện mang lại lạc thú cho chính mình với việc làm lợi cho người. Điều này khiến giới khoa học một lần nữa đặt câu hỏi về cách thức bộ não mã hóa những hành động tốt đẹp, không ích kỷ của một cá nhân đối với người khác.

Nghiên cứu cho thấy loài vật cũng có đạo đức và sự thông cảm
Nghiên cứu cho thấy loài vật cũng có đạo đức và sự thông cảm 

Trong nỗ lực tìm ra lời giải đáp, chuyên gia Platt và đồng sự dạy một nhóm khỉ nâu chơi một trò đơn giản, theo đó chúng được chọn tự thưởng cho mình ly nước ép trái cây hoặc cho đồng loại ngồi kế bên. Không ngạc nhiên khi hầu hết các đối tượng đều tự rót cho mình nước ép. Nhưng khi được chọn giữa việc đưa nước ép cho khỉ khác hoặc không đưa gì cả, chúng lại thích đưa cho đồng loại nước ép thay vì ngồi yên. Trong quá trình đó, các chuyên gia quan sát tín hiệu điện não phát ra từ khu vực mà họ nghi ngờ đóng vai trò đối với sự vị tha. Vùng vỏ não gọi là trán ổ mắt, vốn đóng vai trò trong quá trình xử lý tưởng thưởng, đã hoạt động khi khỉ chọn ly nước cho mình. Có vẻ như đây là khu vực dành cho tự kỷ trung tâm, tức coi trọng bản thân mình.

Tuy nhiên, một số tế bào ở vùng não gọi là vỏ não vành trước được kích hoạt khi một con khỉ này trao nước cho con khỉ khác. Và các chuyên gia cho rằng những tế bào đó chịu trách nhiệm một phần trong việc tạo ra các hình thái sơ khai của sự thấu cảm.

Chuyên gia Platt nghĩ đến khả năng khu vực này cũng có thể hoạt động tương tự trong trường hợp con người, và có thể đóng vai trò mã hóa những trải nghiệm gián tiếp từ niềm vui, nỗi buồn của người khác. Chính trải nghiệm dựa trên cảm xúc của đối tượng đã kích hoạt hành vi vị tha ở người, theo phân tích của Platt. Phát hiện mới được cho có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải mã tại sao nhiều động vật (trong đó có con người) biểu lộ sự tử tế mà không đòi hỏi sẽ nhận lại phần lợi ích nào từ đối phương. Đánh giá tầm quan trọng của nghiên cứu trên, chuyên gia khoa học thần kinh Matthew Rushworth của Đại học Oxford nhận định rằng đây là một thành tựu lớn trong nỗ lực hoàn thiện cái nhìn về hoạt động thần kinh ẩn dưới khía cạnh chủ chốt của nhận thức xã hội.

Theo Thanh Niên
  • 52
  • 1.945