Các chuyên gia tạo ra thịt in 3D làm từ bơ ca cao

  •  
  • 112

Các chuyên gia kết hợp những nguyên liệu thực vật như protein lúa mì và đậu nành, bơ ca cao, để tạo ra "bột thịt" cho máy in 3D.

Những sản phẩm thay thế thịt từ động vật đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí ACS Food Science & Technology, nhóm chuyên gia tại Đại học Chiết Giang đã phát triển phương pháp mới để kết hợp các nguyên liệu gốc thực vật, tạo thành sản phẩm in 3D thay thế thịt. Trong đó, công thức tốt nhất đòi hỏi một thành phần bổ sung độc đáo là bơ ca cao, chiết xuất từ hạt ca cao dùng làm chocolate, SciTechDaily hôm 28/12 đưa tin.

Sản phẩm thay thế thịt in 3D làm từ các nguyên liệu gốc thực vật, trong đó có bơ ca cao.
Sản phẩm thay thế thịt in 3D làm từ các nguyên liệu gốc thực vật, trong đó có bơ ca cao. (Ảnh: ACS Food Science & Technology)

Có vô số lý do khiến nhiều người tránh ăn thịt động vật như quyền lợi động vật và tính bền vững của môi trường. Nhiều sản phẩm thay thế thịt hiện nay sử dụng protein nguồn gốc thực vật, thường là từ đậu nành và lúa mì, có thể mô phỏng kết cấu và giá trị dinh dưỡng của thịt thật.

Chuyên gia Songbai Liu và Shanshan Wang tại Đại học Chiết Giang muốn tạo ra một loại "bột thịt" với protein đậu nành và lúa mì có thể sản xuất hiệu quả bằng máy in 3D. Họ thử nghiệm các công thức chứa protein lúa mì, đậu nành và một số thành phần khác với máy in 3D rồi đánh giá chúng dựa trên độ chính xác và khả năng giữ nguyên hình dạng khi chiếc máy in bột thịt. Họ cũng kiểm tra kết cấu và cấu trúc vi mô của sản phẩm.

Các thử nghiệm cho thấy tầm quan trọng của một số nguyên liệu bổ sung, ví dụ chất nhũ hóa Tween-80 và natri alginat để kiểm soát kết cấu. Bơ ca cao nhạy nhiệt là thành phần đặc biệt quan trọng, giúp bột mềm dẻo hơn ở nhiệt độ ấm để in, sau đó cứng lại ở nhiệt độ phòng, cho phép bột giữ được hình dạng khi in.

Một điểm hạn chế là những người dị ứng với gluten lúa mì hoặc đậu nành sẽ không thể ăn loại thịt mới. Nhằm giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học thử thay thế protein đậu nành bằng protein từ đậu Hà Lan, nhưng kết quả là bột quá mềm và không phù hợp để in. Dù vậy, các thử nghiệm vẫn giúp xác định một con đường mới để lập công thức chế tạo sản phẩm thay thế thịt, theo nhóm nghiên cứu.

Cập nhật: 31/12/2021 Theo VnExpress
  • 112