Bài viết chỉ cung cấp kiến thức khoa học chứ không khuyến khích mọi người bắt chước vì đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm.
Chúng ta thường nhìn thấy những chuyên gia hay thợ bắt rắn cầm hay bắt một con rắn hổ mang hoang dã một cách rất nhẹ nhàng và dễ dàng. Trong quá trình bắt, những người này sử dụng rất nhiều động tác như thể đang thôi miên con rắn.
Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi ý nghĩa của những động tác này là gì? Hãy cùng giải mã ý nghĩa đó qua bài viết dưới đây:
Khi đối diện với một con rắn, chúng ta thường rất sợ hãi và đây là một nỗi sợ mang tính bản năng (Hội chứng sợ rắn hay nỗi sợ rắn Ophidiophobia, thống kê cho thấy, 1/3 số người trưởng thành bị mắc chứng sợ rắn) vì có rất nhiều loài rắn có nọc độc chết người.
Thế nhưng các chuyên gia cho biết, rắn còn sợ chúng ta nhiều hơn chúng ta sợ chúng. Do đó hãy thật bình tĩnh để tránh những hành động gây kích động cho con rắn. Người bắt rắn sẽ luôn duy trì giao tiếp bằng mắt với con rắn, một chút lơ là có thể khiến bạn phải trả giá cực đắt.
Ngay cả một người bắt rắn giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất vẫn có thể bị rắn cắn nếu chủ quan hay không tuân theo những quy tắc dưới đây:
Luôn giữ chặt đuôi con rắn trong khi thả lỏng cơ thể mình và hạ thấp trọng tâm (việc to lớn hơn chỉ khiến con rắn cảm thấy bị đe dọa và tỏ thái độ kích động), đồng thời hãy chú ý khoảng cách với con rắn xa nhất có thể (một số hổ mang có khả năng tấn công nhanh và phun nọc độc).
Bắt rắn hổ mang bằng que dài. (Ảnh: Cắt từ video trong bài)
Hãy tránh làm con rắn bị đau mà hãy nhẹ nhàng trong toàn bộ quá trình bắt, tiếp đến hãy dùng một cành cây dài hay bất cứ vật thể dài nào. Dùng cây gỗ để nhẹ nhàng lên đầu con rắn trong khi tay cầm đuôi từ từ kéo con rắn lên cao.
Lưu ý: Việc sử dụng lực ấn xuống đầu con rắn sẽ tùy thuộc vào kích thước con rắn, tuy nhiên mọi hành động phải thật nhẹ nhàng để không làm con rắn cảm thấy bị đe dọa. Nếu nhẹ tay quá có thể khiến tuột mất đầu con rắn và bị nó cắn trả.
Khi đã ghì chặt đầu con rắn xuống đất thì hãy thả tay đang giữ đuôi con rắn và dùng nó giữ chặt cổ con rắn (giữ gần đầu nhất có thể để tránh con rắn quay đầu cắn vào tay). Phải nắm đủ lực và nhẹ nhàng để tránh khiến cho con rắn bị ngạt thở.
Việc bỏ con rắn vào bao hay hộp cũng phải rất cẩn thận. Hãy nhẹ nhàng thả từ phần đuôi của con rắn vào bên trong rồi cuối cùng là đầu. Động tác thả cần nhanh nhẹn và dứt khoát! Trong quá trình bắt rắn, các thợ rắn hay chuyên gia có thể có những hành động bổ trợ sau:
Mở rộng tay từ từ và đưa trước mặt con rắn để làm nó bình tĩnh, dùng các ngón tay gõ nhẹ xuống đất để thể hiện bạn không phải là mối đe dọa với con rắn. Con rắn hổ mang sẽ từ từ hạ đầu xuống thấp khi cảm thấy an toàn.
Dùng tay để gây sự chú ý, làm con rắn bình tĩnh. (Ảnh: Cắt từ video trong bài).
Liên tục sử dụng các ngón tay để gây chú ý cho con rắn, đồng thời quan sát biểu hiện của nó (nếu con rắn ngóc cao cổ và phình mang, phát tiếng kêu phì phì là nó đang tức giận và chuẩn bị tấn công), tuyệt đối không có những hành động đột ngột khiến con rắn giật mình.
Khi ở tư thế ngồi, các chuyên gia bắt rắn thường lắc lư chiếc đầu gối qua lại để đánh lừa sự chú ý của con rắn. Điều này sẽ giúp tay của họ rảnh rang hơn để nhẹ nhàng đặt lên đầu con rắn, đây là một kỹ thuật nâng cao và phải rất tự tin cũng như tích lũy kinh nghiệm mới có thể thực hiện.
Dùng đầu gối để làm con rắn chú ý, trong khi đó một tay người bắt sẽ vòng lên phía trên đầu rắn. (Ảnh: Cắt từ video trong bài)
Nếu bạn di chuyển bàn chân thay vì đầu gối, con rắn sẽ cảm thấy sự nguy hiểm và quay đầu bỏ đi (vì chúng có một cơ quan đặc biệt giúp cảm nhận rung động). Hành động này thường dùng để khiến con rắn bò ra xa cơ thể người bắt để đảm bảo an toàn.
Lưu ý: Khi thực hiện hành động này thì hai chân luôn đặt ở dưới đất và tránh lùi về phía sau quá nhanh, con rắn sẽ bị giật mình và tấn công.
Trên đây là toàn bộ ý nghĩa của các động tác mà các chuyên gia bắt rắn có kiến thức và kinh nghiệm thường sử dụng, độc giả tuyệt đối không nên bắt chước để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.