Loài vật ôm nhau để bày tỏ tình cảm như con người?

  •  
  • 264

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn một trong những hành động quen thuộc nhất của con người: ôm nhau. Cái ôm cho một cảm giác yên tâm, an ủi và bình tĩnh.

Liệu ôm nhau có tồn tại trong phần còn lại của vương quốc động vật không? Một chuyên gia nghiên cứu loài linh trưởng ở châu Phi nhận định, cái ôm thực sự phổ biến trong cuộc sống của loài linh trưởng.

Bonobos (Pan paniscus), loài linh trưởng là đối tượng nghiên cứu chính của Zanna Clay, một nhà tâm lý học đồng thời là nhà linh trưởng học tại Đại học Durham, Vương quốc Anh. Clay nghiên cứu các tương tác xã hội giữa các bonobo và phần lớn công việc quan sát của cô diễn ra tại một khu bảo tồn ở Cộng hòa Dân chủ Congo dành cho các bonobo có cuộc sống bị gián đoạn do săn bắn. Tại khu bảo tồn này, người ta thường thấy những chú linh trưởng sơ sinh bám vào nhau khi chúng đi lại với nhau. Clay cho biết: “Những chú linh trưởng mồ côi thường ôm nhau, kể cả lúc đi bộ”.

Cái ôm dường như là một sự trấn an khi đối mặt với nguy hiểm
Cái ôm dường như là một sự trấn an khi đối mặt với nguy hiểm.

Hành vi này có thể bắt nguồn từ hành vi mẹ của bonobo cái, chúng ôm con khi chúng còn nhỏ. Ở nhiều loài linh trưởng, các bà mẹ ôm chặt con mình trong thời gian dài của thời kỳ sơ sinh. Ví dụ, tinh tinh (Pan troglodytes), họ hàng gần của bonobos, cũng được biết là hay ôm hôn nhau.

Clay nói: “Nếu chúng nghe thấy tiếng động vật ăn thịt, hoặc một nhóm tinh tinh khác, hoặc điều gì đó đáng sợ, đó là lúc bạn sẽ thấy chúng chạm vào nhau và giữ chặt lấy nhau. Cái ôm dường như là một sự trấn an khi đối mặt với nguy hiểm".

Trong trường hợp của loài khỉ đen có mào (Macaca nigra), sống ở Indonesia, cái ôm đi kèm với một sự khởi sắc hơn: Những con khỉ này yêu cầu ôm bằng cách nhếch môi, một lời mời không chỉ dành cho gia đình mà mở rộng cho các thành viên khác trong đoàn.

Ngoài ra, những con đười ươi con đã được quan sát thấy lao vào ôm nhau khi đối mặt với sự đe dọa của một con rắn, do đó nhấn mạnh vai trò trấn an rõ ràng của cái ôm trong những lúc căng thẳng hoặc sợ hãi.

Và ở một loài khỉ khác, khỉ Tonkean (Macaca tonkeana), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những cái ôm an ủi rất nhiều sau một trận chiến và thậm chí có thể đi kèm với một nụ hôn.

Theo Clay, một điểm khác biệt đáng chú ý giữa những cái ôm của con người và những cái ôm của họ hàng linh trưởng là con người dường như đã đặt nhiều biểu tượng xã hội hơn vào cái ôm. Cái ôm ở con người trở thành một kiểu chào hỏi hoặc cử chỉ chia tay, còn loài khỉ và tinh tinh không có xu hướng đó.

Còn các loài khác thì sao?

Cái ôm ở loài linh trưởng rất dễ nhận biết vì chúng trông giống như cái ôm của con người, nhưng các loài khác có thể có cái ôm, nhưng cách biểu hiện lại khác.

Các nghiên cứu về linh trưởng chỉ ra rằng, cái ôm có chức năng gắn kết, trấn an, an ủi và tạo hòa bình, nhưng cái ôm có thể tương tự ở các loài động vật khác. Ví dụ, ngựa chải lông cho nhau, và các nghiên cứu cho thấy hoạt động này làm giảm nhịp tim của chúng - một dấu hiệu của sự thoải mái và bình tĩnh.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng nếu một con ngựa phát hiện ra dấu hiệu đau khổ của người bạn đời của mình, nó sẽ lao đến và nhanh chóng bắt đầu chải chuốt bộ lông của người bạn đời. Các nhà nghiên cứu đã giải thích hành vi này như một hành động an ủi. Ở loài chim, việc rỉa lông giữa các cặp được cho là để tăng mối liên kết xã hội .

Sư tử xoa đầu nhau được cho là có tác dụng thúc đẩy các mối quan hệ xã hội của chúng. Hàng trăm loài động vật có vú khác dựa vào, nép mình và túm tụm với nhau để tạo sự thoải mái và ấm áp, hoặc để tạo thành một mặt trận thống nhất chống lại nguy hiểm - có thể đóng một vai trò tương tự như cái ôm vững chắc mà chúng ta thấy ở các loài linh trưởng.

Trong khi đó, cá heo dường như thể hiện một loại hành vi an ủi nhau như cọ xát hoặc nhẹ nhàng kéo nhau xuống nước.

Cập nhật: 27/08/2021 Theo Tiền Phong
  • 264