Cụm "bong bóng" trôi nổi phía trên Trái đất để phản chiếu ánh sáng Mặt trời có thể giúp đảo ngược hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Hạn hán, các đợt nắng nóng khắc nghiệt và các vụ hỏa hoạn lớn hiện đang ảnh hưởng đến toàn thế giới. Nhiều thành phố trên hành tinh của chúng ta đã phá kỷ lục nhiệt độ nóng vào mùa hè này. Bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu, có lẽ Trái Đất đã đạt đến điểm không thể quay lại.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không giữ nhiệt độ tăng dưới + 2⁰C? Các nhà khoa học đang nghiên cứu các giải pháp "cơ hội cuối cùng", nhằm hạn chế thiệt hại hoặc thậm chí đảo ngược biến đổi khí hậu.
Lấy cảm hứng từ một ý tưởng do nhà thiên văn học Robert Angel đề xuất, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ hiện đang nghiên cứu một khái niệm về lá chắn Mặt Trời, có vai trò như tấm khiên làm giảm lượng bức xạ chiếu vào hành tinh của chúng ta.
Dự án nghiên cứu Space Bubbles của kiến trúc sư Carlo Ratti cùng với các nhà nghiên cứu khác ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đề xuất để một "tấm bè" kết từ nhiều bong bóng đông lạnh ở điểm Lagrange L1 nằm giữa Trái đất và Mặt trời. Các bong bóng được làm từ vật liệu dạng màng mỏng và sản xuất trong không gian. Khi nối liền với nhau, chúng sẽ bao phủ diện tích bằng nước Brazil (8,5 triệu km2).
Khi kết hợp với nhau bè bong bóng sẽ rộng bằng nước Brazil. (Ảnh: MIT)
Space Bubbles là một biến thể của ý tưởng làm mát Trái đất bằng tấm chắn Mặt trời, hoạt động thông qua ngăn chặn một phần bức xạ từ ngôi sao, qua đó giảm bớt tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là tấm chắn Mặt trời trong không gian không có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh quyển Trái đất. Những dự án triển khai ở tầng bình lưu của Trái đất đều đi kèm nguy cơ này.
Nhóm nghiên cứu MIT nhấn mạnh Space Bubbles được thiết kế để hỗ trợ nỗ lực giảm thiểu xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay. "Địa kỹ thuật là phương án duy nhất của chúng ta", Ratti, người đứng đầu phòng thí nghiệm Senseable City của MIT, cho biết. "Tuy nhiên, các đề xuất địa kỹ thuật đều nằm trên Trái đất, đặt ra nguy cơ khổng lồ đối với hệ sinh thái. Giải pháp trong không gian sẽ an toàn hơn. Ví dụ, nếu làm chệch hướng 1,8% bức xạ Mặt trời trước khi tới Trái đất, chúng ta có thể đảo ngược hoàn toàn hiện tượng ấm lên toàn cầu".
Một lợi thế khác của tấm chắn Mặt trời kiểu này là các bong bóng có thể xẹp đi và thu hồi từ vị trí. Khối cầu được làm từ vật liệu như silicon, vận chuyển vào không gian ở dạng nung chảy hoặc chất lỏng ion gia cố bằng graphene. Nhóm nghiên cứu MIT đã tiến hành thành công một thí nghiệm sơ bộ bằng cách bơm phồng lớp vỏ khối cầu trong điều kiện ngoài không gian. Họ cho rằng đây có thể là một trong những cấu trúc màng mỏng hiệu quả nhất để làm chệch hướng bức xạ Mặt trời.
Dự án nghiên cứu Space Bubbles được phát triển từ ý tưởng của nhà khoa học James Early, người đầu tiên đề xuất triển khai vật thể làm chệch hướng bức xạ ở điểm Lagrange và nhà thiên văn học Roger Angel, người nêu ra thiết kế bè bong bóng. Nhóm nghiên cứu liên ngành hy vọng có thể chứng minh tính khả thi của dự án thông qua những thí nghiệm và phân tích sâu hơn. Ngoài vật liệu, nghiên cứu sẽ tìm hiểu các phương án vận chuyển vật liệu từ Trái đất, vị trí và tính ổn định của bè bong bóng, tính hiệu quả về mặt chi phí, cách bảo dưỡng, tác động tới khí hậu và hệ sinh thái.