Trong thập kỷ tới, 14 triệu người sẽ được cứu sống nhờ giảm muối và không hút thuốc lá. King’s Fund, một tổ chức từ thiện ở Anh, đã đưa ra dự báo này dựa trên nghiên cứu ở 23 nước, trong đó có Việt Nam.
Số người tử vong hàng năm do các bệnh nguy hiểm, như ung thư và tim mạch, sẽ giảm đi 14 triệu trong thập kỷ tới nếu hạn chế sử dụng muối trong ăn uống và tăng cường các biện pháp chống hút thuốc lá.
Năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt chỉ tiêu giảm 2% số ca tử vong hàng năm do các bệnh mãn tính trong giai đoạn 2005 – 2015. Đó là các bệnh không lây, như bệnh tim, ung thư, tiểu đường... Để giúp WHO thực hiện chỉ tiêu đó, các chuyên gia thuộc King’s Fund, một tổ chức từ thiện ở Anh, đã nghiên cứu mối liên hệ giữa việc giảm tỉ lệ tử vong với việc hạn chế hút thuốc lá và cắt giảm 15% lượng muối trong ăn uống.
Mỗi năm sẽ có 5,5 triệu trường hợp tử vong được ngăn chặn nếu đánh thuế cao hơn đối với sản phẩm thuốc lá và đẩy mạnh các chiến dịch chống hút thuốc. (Ảnh: redlightnaps.wordpress.com) |
Theo nhóm nghiên cứu, nếu mỗi người chỉ sử dụng từ 3 – 4,5 gram muối trong ăn uống hàng ngày – tức 30% ít hơn mức trung bình hiện nay – thì đến năm 2015, số lượng tử vong hàng năm trên toàn thế giới sẽ giảm đi 8,5 triệu người.
Ông Perviz Asaria, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Ở những nước có lượng muối tiêu thụ cao thì huyết áp người dân sẽ tăng đáng kể khi họ càng lớn tuổi. Ngược lại, trong những xã hội bộ tộc – nơi mà muối không có đủ để dùng hoặc ít được dùng trong thực phẩm – thì huyết áp của người lớn tuổi có xu hướng ở mức giống như khi họ đang ở lứa tuổi 20”.
Các nhà khoa học từ lâu đã khẳng định huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh về tim mạch. Do đó, các tác giả của nghiên cứu này khuyên mọi người nên ăn nước chấm có nồng độ muối thấp, tránh dùng thức ăn mặn và nên dùng ít muối hơn trong tẩm ướp thực phẩm.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mỗi năm sẽ có khoảng 5,5 triệu trường hợp tử vong được ngăn chặn nếu chính phủ các nước đánh thuế cao hơn đối với sản phẩm thuốc lá, và đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch chống hút thuốc ở nơi làm việc cũng như nơi công cộng.
Các chuyên gia cũng kêu gọi tăng cường thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO.
Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet ở Anh.
Quang Thịnh