Giành giật “lục địa thứ bảy”

  •   52
  • 1.950

Vào giữa thế kỷ XXI sẽ diễn ra sự tranh giành mặt trăng giữa các cường quốc, giống như những gì đang xảy ra với Bắc Cực.

“Về ý nghĩa nào đó, mặt trăng có thể được xem như lục địa thứ bảy của trái đất. Có thể dự báo: Đến giữa thế kỷ XXI sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh giành quyền sở hữu các vùng gần 2 cực của mặt trăng và khả năng xây dựng căn cứ trên mặt trăng” - ông Lev Zelenyi, Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian RAN (Nga), dự báo.

Nga quyết lấy lại vị thế

Các nhà khoa học đã chứng minh ở 2 cực của mặt trăng tồn tại một số lượng lớn băng có thể tiềm ẩn dấu vết của sự sống. Ngoài ra, mặt trăng có nhiều tài nguyên khác, kể cả các kim loại hiếm. Nếu như không còn lựa chọn nào khác thì các nguồn tài nguyên trên mặt trăng sẽ được khai thác để giải quyết tình trạng thiếu hụt kim loại hiếm trên trái đất.

Giành giật “lục địa thứ bảy”
Robot tự hành Thỏ Ngọc đáp xuống mặt trăng hồi giữa tháng 12/013. (Ảnh: CNSA)

Theo nhà khoa học Zelenyi, vào thời điểm hiện tại, Nga đang điều nghiên chương trình nghiên cứu mặt trăng đến năm 2023 với mục tiêu khôi phục vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu không gian. Nước này đang xem xét phóng 1 thiết bị bay trên quỹ đạo và 2 thiết bị khác hạ cánh xuống mặt trăng để lấy một số mẫu đất ở cực Nam và cực Bắc.

Trước đó, tháng 4/2013, Công ty Tên lửa Vũ trụ Energy đã quyết định chế tạo loại tên lửa có khả năng bay quanh mặt trăng và dự kiến hoàn tất vào năm 2030, theo Chủ tịch Công ty Vitaly Lopota.

Trong tương lai gần hơn, thiết bị hạ cánh Luna-Glob của Energy sẽ đáp xuống mặt trăng vào năm 2015, còn thiết bị bay trên quỹ đạo mặt trăng sẽ được phóng vào năm 2016. Ngoài ra, bãi đáp của một thiết bị khác mang tên Luna-Resurs - được phóng năm 2019 - có thể trở thành nơi triển khai căn cứ của Nga trên mặt trăng trong tương lai.

Mỹ cũng sốt ruột

“Đầy triển vọng để khai thác tài nguyên thiên nhiên trên mặt trăng” - viện sĩ Alexander Zheleznyakov, Viện Hàn lâm Khoa học Vũ trụ Tsiolkovsky, nhận định. Đồng thời, ông xác nhận việc Nga hiện diện trên mặt trăng còn vì những mục đích khác. Ông Zelenyi cho rằng căn cứ trên mặt trăng có thể thay thế hoặc bổ sung cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Kinh nghiệm từ những chuyến thám hiểm vũ trụ kéo dài có thể sẽ được người Nga vận dụng vào dự án này.

Vào tháng 11-2013, Phó Giám đốc Cơ quan Không gia Nga Roscosmos Denis Lyskov cũng cho biết Nga đang lên kế hoạch xây dựng một cơ sở lâu dài trên mặt trăng. Tiến xa hơn, tại cuộc họp về triển vọng phát triển lĩnh vực tên lửa vũ trụ gần đây, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã đề nghị các đơn vị liên quan, trong đó có Roscosmos, “hiện thực hóa những điều hay bị cho là ảo tưởng” như xây dựng một cơ sở khoa học có người ở trên mặt trăng và nhiều dự án khác.

Không chỉ Nga khẩn trương, Mỹ cũng đang hết sức sốt ruột. Sự kiện tàu thăm dò Hằng Nga 3 của Trung Quốc mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc hạ cánh xuống mặt trăng giữa tháng 12/2013 đã làm dấy lên cuộc vận động chính trị ở Mỹ nhằm thám hiểm và tận dụng mặt trăng một cách quyết liệt hơn.

Tâm điểm cuộc vận động này là Nhóm phân tích thăm dò mặt trăng (LEAG), được NASA thuê để hỗ trợ vạch kế hoạch thám hiểm mặt trăng. Theo website Space, LEAG đang vận động viết thư gửi Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trăng. Dưới khẩu hiệu chung “Điểm đến mặt trăng”, LEAG kêu gọi sử dụng vệ tinh của trái đất làm bàn đạp cho tham vọng du hành lâu dài trong không gian, tiến tới thăm dò cả Thái dương hệ.

Theo NLĐ
  • 52
  • 1.950