Giặt khô là gì?

Những điều bạn chưa biết về giặt khô
  •  
  • 2.209

Giặt khô có nghĩa là không dùng nước mà dùng một số dung dịch để làm sạch vải. Nước có thể làm hỏng một số loại vải, như là len lông cừu, da và lụa; đôi khi giặt bằng máy giặt thông thường sẽ làm hỏng cúc áo, vải ren, kim sa và các phụ kiện trang trí mỏng manh khác. Vì thế những đồ này cần được giặt khô.

Hóa chất giặt khô

Có nhiều loại dung môi giặt khô cho từng loại vải. Trước đây người ta dùng xăng, dầu hỏa, benzene, dầu thông, là những dung dịch dễ cháy và nguy hiểm. Trong những năm 30 của thế kỉ trước, một số dung môi tổng hợp, không cháy, như là perchloroethylene (PCE)decamethylcyclopentasiloxane (silicon dạng lỏng) được tìm ra và sử dụng cho đến ngày nay.

Các chất tẩy cũng thường được cho thêm vào cùng các dung môi này để loại bỏ chất bẩn là đất. Chất tẩy có thể được cho vào dung môi trước khi giặt hoặc trong khi giặt tùy từng trường hợp, và có tác dụng: Cung cấp độ ẩm giúp làm sạch đất bẩn tan trong nước; Ngăn không cho đất bám trở lại vải; Làm chất dẫn để các dung môi có thể làm vải sạch hơn.

Quá trình giặt khô

Giặt khô có nghĩa là không dùng nước mà dùng một số dung dịch để làm sạch vải.
Giặt khô có nghĩa là không dùng nước mà dùng một số dung dịch để làm sạch vải.

Máy giặt khô gồm 4 bộ phận: Một khoang chứa dung môi; Một máy bơm để đưa dung môi vào máy; Các túi lọc giữ lại chất bẩn; Một xi-lanh hay một lồng xoay để đựng vải cần giặt.

Trong khi giặt, máy bơm hút dung môi từ khoang chứa đi qua các túi lọc để lọc các cặn bẩn nếu có, rồi đổ vào lồng xoay. Tại đây dung môi tiếp xúc với vải và lấy đi các chất bẩn. Sau đó dung môi trở về khoang chứa ban đầu và lặp lại qui trình đó.

Sau khi vải đã được giặt sạch, máy sẽ vận hành chế độ vắt để loại bỏ dung môi còn đọng lại trong vải. Lồng giặt sẽ quay ở tốc độ cao để làm văng các giọt dung môi ra khỏi vải, giống như máy giặt thông thường trong gia đình.

Sau khi vắt xong, xi-lanh (lồng giặt) dừng lại, vải vóc có thể được sấy khô ngay trong lồng đó nếu là hệ thống khép kín hoặc chuyển sang máy sấy riêng. Dung môi được giữ lại, lọc lại và đưa vào khoang chứa ban đầu.

Lịch sử của công nghệ giặt khô

Giặt khô đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những ghi chép về các phương pháp giặt các đồ dùng dễ bị hỏng đã được tìm thấy trong phế tích của thành phố Pompeii, thành phố đã bị núi lửa Vesuvius chôn vùi từ năm 79 sau Công nguyên. Hồi đó, rất nhiều quần áo vải vóc được làm bằng lông cừu và bị co lại nếu nhúng vào nước. Những người thợ giặt đã dùng các dung môi như amoniac (lấy từ nước tiểu) và dung dịch kiềm, và 1 loại đất sét đặc biệt để lấy đi các vết bẩn là đất, mồ hôi và dầu mỡ bám trên vải.

Cái gọi là giặt khô đầu tiên ở thời hiện đại ngày nay có thể là câu chuyện về một cô hầu vụng về làm rớt một ít dầu hỏa lên khăn trải bàn dính mỡ. Dầu hỏa nhanh chóng bay hơi và cô thấy chỗ vải bị đổ dầu hỏa đó lại sạch hơn những chỗ khác. Sau “tai nạn” đó, người ta đã thí nghiệm rất nhiều để xác định loại dung môi nào tốt nhất để tẩy vết mỡ. Các chất này gồm có dầu thông, dầu hỏa, chất lỏng có nguồn gốc từ dầu mỏ, xăng và dầu long não.

Dịch vụ giặt khô lần đầu tiên được cung cấp vào năm 1825 bởi công ty Jolly-Belin ở Pa-ri. Tất nhiên là ở Pa-ri, bởi ở đó thời trang là một phần quan trọng trong cuộc sống của mọi người. Quần áo được ngâm trong các bồn chứa đầy dầu thông sau đó đưa vào “máy” giặt, rồi được phơi cho dầu thông bay hơi hết.

Dịch vụ giặt khô đầu tiên ở Mỹ cũng xuất hiện vào cùng thời gian đó. Thomas Jennings, một thợ may và cũng là một nhà phát minh người Mỹ đã sử dụng phương pháp “giặt khô” để làm sạch những quần áo vải vóc không thể giặt theo cách thông thường. Phương pháp này của ông được cấp bằng sáng chế năm 1821 và Jennings đã kinh doanh dịch vụ may mặc và giặt là rất thành công ở New York.

Nhược điểm lớn nhất của các dung môi có nguồn gốc từ dầu mỏ là rất dễ cháy, vì thế người ta đã cố gắng tìm những chất thay thế. Và vào năm 1821, lần đầu tiên một nhà vật lý và hóa học người Anh tên là Michael Faraday đã tổng hợp được PCE. Tuy nhiên mãi đến đầu những năm 30, dung môi này mới được dùng để giặt khô, sau khi một người thợ giặt khô ở Mỹ tên là William Joseph Stoddard tìm ra cách cải tiến PCE thành dung môi giặt khô. Chất này được sử dụng rất nhiều vào cuối những năm 30, đầu những năm 40 do sự khan hiếm dầu mỏ trong thời kỳ Thế chiến II.

Những quan ngại về môi trường và sức khỏe

PCE là chất nguy hiểm cho cả môi trường và sức khỏe, nhất là những công nhân làm việc tại xưởng giặt là
PCE là chất nguy hiểm cho cả môi trường và sức khỏe, nhất là những công nhân làm việc tại xưởng giặt là.

Mặc dù PCE là lựa chọn phổ biến nhất để dùng cho giặt khô nhưng chất này rất nguy hiểm cho cả môi trường và sức khỏe, nhất là những công nhân làm việc tại xưởng giặt là. Ngoài ra, người thường xuyên mặc quần áo giặt khô cũng có thể bị ảnh hưởng. Nếu hít phải hơi PCE trong một thời gian dài, họ có thể bị chóng mặt, đờ đẫn, mờ mắt, mất khả năng phối hợp và mất trí nhớ thể nhẹ, mẩn ngứa trên da.

Những người làm việc trong ngành giặt khô cũng có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Nếu tiếp xúc lâu ngày với các hóa chất này, họ có thể bị các bệnh ung thư thực quản, bàng quang, cổ tử cung, máu và ung thư hạch không Hodgkin. Ngoài ra họ cũng có nguy cơ bị bệnh khác về hệ thần kinh, gan, thận, phổi.

Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa PEC và bệnh ung thư, nhất là PEC sử dụng trong ngành giặt khô. Sau khi xem xét kỹ các nghiên cứu từ trước, đồng thời tiến hành thí nghiệm tác hại của PEC trên chuột, thì vào năm 2014 các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng tiếp xúc với PEC có mối liên hệ mật thiết với một số bệnh ung thư. Cũng tương tự như phân loại của EPA vào năm 2012, nghiên cứu năm 2014 của các nhà khoa học cũng nhận thấy PEC là chất gây ung thư cho con người cho dù người đó tiếp xúc với hóa chất này ở dạng nào đi nữa, nhất là những công nhân ở xưởng giặt khô có nguy cơ đặc biệt cao bị ung thư bàng quang.

Mặc dù chưa thể kết luận chính xác, nhưng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cũng đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy PEC ảnh hưởng đến hệ sinh sản của cả nam và nữ, làm biến đổi cấu trúc tinh trùng và giảm khả năng thụ thai. Cũng đã có một số nghiên cứu về dị tật bẩm sinh do PEC, nhưng vẫn còn ít và chưa có đầy đủ bằng chứng để kết luận.

PEC có thể bay hơi vào không khí, tan trong nước và đất ở những nơi sản xuất hoặc sử dụng chất này và khu vực lân cận. Theo Cơ quan Đăng kiểm và Theo dõi các bệnh do chất độc hại (Mỹ), hầu hết PEC trong khí quyển là do ngành công nghiệp giặt khô phát thải ra. Hợp chất này phân hủy rất chậm trong khí quyển, vì thế nó có thể lan tỏa đi rất xa. PEC có thể tan vào nước và ngấm vào đất qua đường nước thải bị nhiễm dung môi này. Phần lớn lượng PEC này nhanh chóng bay hơi khỏi nước và đất, nhưng phần còn lại cũng phân hủy rất chậm và vì thế tồn tại rất lâu và có thể lan ra một vùng rộng lớn xung quanh nguồn phát thải.

Tương lại của ngành giặt khô

Theo IBISWorld, một công ty nghiên cứu thị trường, thì hiện nay riêng ở Mỹ có khoảng 36.000 công nhân giặt khô. Mặc dù vậy, một số nguồn số liệu cho thấy số công nhân này đang giảm dần, một phần là do xu hướng mới hiện nay nhiều người thích sử dụng quần áo có chất liệu bình thường, sợi vải bền hơn, quần áo rẻ hơn nên nhiều nơi ở Mỹ số lượng các cửa hàng giặt khô ngày càng ít đi.

Một lý do khác là có nhiều cửa hàng giặt khô tư nhân, hoạt động ở quy mô gia đình và khi thế hệ già hết tuổi làm việc, thế hệ trẻ không kế nghiệp mà chuyển sang làm nghề khác. Những quan ngại về môi trường cũng đang làm thay đổi ngành công nghiệp này. Chẳng hạn như bang California đang loại trừ dần việc sử dụng PEC trong giặt khô và thay bằng các chất ít độc hại hơn, chẳng hạn như giặt kết hợp nước và carbon dioxide (CO2).

Cập nhật: 25/07/2018 Theo Dân Trí
  • 2.209