Chuyên gia phản bác quan điểm: "cơm có gì đâu mà ngon, dễ gây mập, chỉ cần ăn rau thịt là đủ rồi"

  •  
  • 888

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội giải đáp về việc có nên bỏ cơm để giảm cân không và cách ăn cơm để tránh tăng cân.

Với một quốc gia có nhiều lợi thế trong sản xuất lúa gạo như Việt Nam, thì cơm trắng, bún, phở từ lâu đã được sử dụng như một nguồn lương thực chính. Nó không đơn thuần chỉ là món ăn cho no, mà còn là những thực phẩm mang đậm bản sắc văn hóa.

Tuy nhiên mới đây, một hot TikToker kiêm HLV Yoga với hơn 357.000 người theo dõi đã gây dậy sóng cộng đồng mạng khi đưa ra quan điểm: "Không cơm vì chúng dễ gây mập, không tốt cho sức khỏe".

"Ăn cơm có gì đâu mà ngon, nó trắng trắng, toàn chuyển hóa thành đường không à"

Cụ thể, trong đoạn video, Tiktoker này nói: "... mình không có ăn cơm. Mọi người biết không, mình thấy ăn cơm có gì đâu mà ngon, cơm nó trắng trắng không à, toàn chuyển hóa thành đường không à. Mọi người biết không, những thực phẩm màu đậm sẽ tốt, sẽ giúp cho mình tiêu hóa chậm hơn".

Bên cạnh đó, Tiktoker này còn cho rằng ăn cơm trắng thực sự không tốt vì nó hấp thụ rất nhanh vì dễ mập. Hơn nữa, theo cô, thói quen ăn cơm trắng của mọi người là "ăn theo ba mẹ mình nên mình bị quen chứ thật ra không ăn cơm cũng được, không có sao hết. Ăn rau đủ rồi, ăn miếng cá, như vậy là đủ no đủ chất làm việc nguyên ngày".

Ngoài nói về cơm trắng, hot TikToker này cũng cho biết cô thường ăn rau màu đậm vì rau đậm sẽ tốt hơn rau màu nhạt, cũng vì có nhiều dưỡng chất nên rau mới có màu đậm như vậy.

Hiện video đang nhận được rất nhiều bình luận trái chiều. Nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng đồng thời cũng hoang mang về việc cơm trắng có thể gây hại cho sức khỏe.

Chuyên gia hốt hoảng vì lời khuyên bỏ cơm trắng

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội giải đáp về việc có nên bỏ cơm để giảm cân không và cách ăn cơm để tránh tăng cân.


PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Nhiều lời đồn cho rằng "Ăn cơm trắng có thể gây tăng cân và không tốt cho sức khỏe, chỉ cần ăn rau thịt là đủ rồi", điều này có đúng không thưa ông?

Không phải như vậy đâu! Trong một khẩu phần ăn, cần phải đảm bảo 4 nhóm chất: Chất bột đường từ bún, cơm; Chất béo từ dầu, lạc, vừng; Protein từ thịt, các loại đậu; Chất xơ, chất khoáng, vitamin từ rau củ quả.

Theo công thức, người ta đã tính toán thì chất bột đường trong một bữa ăn cần phải chiếm 45 -55%. Thịt thì khoảng 15-25%. Chất béo thì không nên ăn nhiều mà chỉ vào khoảng 10-15%. Còn lại là rau xanh.

Ăn nhiều cái gì cũng có thể gây tăng cân chứ không riêng chỉ cơm trắng.
Ăn nhiều cái gì cũng có thể gây tăng cân chứ không riêng chỉ cơm trắng.

Điều đó cho thấy, một bữa ăn là sự kết hợp của rất nhiều thành phần. Đòi hỏi phải cân bằng, không cái gì nhiều quá, cũng không có cái gì ít quá. Việc ăn quá nhiều rau hay thịt cũng không đúng, vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu hóa.

Ăn nhiều cái gì cũng có thể gây tăng cân chứ không riêng chỉ cơm trắng. Do đó ăn cơm cần ăn phù hợp với thể trạng và mức độ lao động của mình chứ không nên bỏ ăn cơm để giảm cân.

Cần phải hiểu rằng cơm trắng tạo thành đường nhưng cũng là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Điều này đặc biệt cần thiết cho học tập, làm việc. Bỏ ăn cơm sẽ gây thiếu dinh dưỡng, thiếu năng lượng. Ngay cả việc đi bộ, đạp xe cũng cần năng lượng cơ mà. Bỏ cơm còn gây buồn ngủ, thiếu sức sống vì không có oxy cho não, nhất là vào buổi sáng.

- Thế việc thay thế gạo trắng bằng gạo lứt thì sao, có tốt cho cơ thể không thưa chuyên gia?

Ngày nay, rất nhiều gia đình lựa chọn ăn gạo lứt vì chúng là loại gạo chưa được xát bỏ lớp cám gạo, cho nên lượng chất xơ rất cao. Nhưng thực tế, ăn quá nhiều gạo lứt cũng không tốt vì nó có khả năng cung cấp vitamin B1. Ăn nhiều sẽ gây dư thừa loại vitamin này, đồng thời gây khó tiêu, chướng bụng.

Nhưng ăn nhiều gạo trắng xay xát quá kĩ cũng không tốt vì có thể làm thiếu vitamin B1, gây ra bệnh beriberi (bệnh tê phù).

Cơm gạo lứt
Ăn nhiều gạo lứt sẽ gây dư thừa vitamin B1, đồng thời gây khó tiêu, chướng bụng.

Do đó, theo tôi không nên ăn nhiều bất kì loại gạo nào mà nên kết hợp chúng. Một tuần có thể ăn vài bữa gạo lứt, thời gian còn lại thì ăn gạo trắng.

- Cũng có lời đồn cho rằng "rau màu đậm tốt hơn rau màu nhạt", điều này có đúng không?

Rau được chia thành 2 nhóm, nhóm lá và nhóm củ. Các loại rau màu nhạt như bắp cải, cải thảo thì thường có hàm lượng đường cao hơn, ít vitamin hơn do các loại rau lá xanh đậm có quá trình quang hợp tốt hơn. Tuy nhiên, trong các loại rau màu trắng còn có các loại củ như củ cải, nằm dưới đất và có nguồn dinh dưỡng rất lớn.

Salad
Loại rau nào cũng tốt cho sức khỏe.

Do đó, đừng thái quá, cho rằng chỉ nên ăn nhiều cái này, đừng ăn cái kia. Loại rau nào cũng tốt cho sức khỏe, bạn vẫn có thể ăn rau màu trắng miễn chúng ngon miệng.

- Ăn cơm cần lưu ý điều gì để không gây tăng cân thưa PGS?

Đừng nhịn cơm mà hãy điều chỉnh lại lượng ăn cho đúng. Ngoài giảm lượng gạo tiêu thụ, bạn có thể tăng protein và rau lên, dần dần cơ thể sẽ giảm cân.

Bạn cũng có thể thay cơm bằng ngô, khoai, sắn, bởi chúng có năng lượng thấp hơn gạo nhưng khi ăn vào sẽ chiếm phần lớn diện tích dạ dày tạo nên cảm giác no. Ngoài ra, sau khi ăn nên nhớ tập thể dục.

Tốt nhất là mọi người nên ăn cân đối ngay từ đầu để giữ cân. Đừng để tăng rồi mới cố giảm vì giảm cân không dễ dàng mà thừa cân còn có thể gây hại cho sức khỏe.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cập nhật: 28/10/2022 Tổ Quốc
  • 888