Giữ ấm đôi chân trong mùa đông

  •  
  • 1.926

Một trong những bộ phận trên cơ thể nhạy cảm với lạnh chính là bàn chân. Tác động tích cực lên bàn chân có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân và ngược lại.

Theo đông y, bàn chân có nhiều đường kinh ba âm ba dương, có các mạch xung và mạch kiểu chịu trách nhiệm điều hòa âm dương cho toàn cơ thể.

Chân ở dưới cùng hệ tuần hoàn, nằm xa tim, máu chảy ngược lên khiến dinh dưỡng cho chân có phần khó khăn hơn so với các bộ phận khác. Trong điều kiện nóng lạnh thất thường của miền Bắc, chân càng dễ bị thương tổn hơn.

Có mấy cách "dinh dưỡng" cho chân như luyện đi chân đất (không guốc, dép). Mùa đông, nếu chưa quen, có thể đeo tất. Ra ngoài sân tản bộ mỗi ngày 2 lần sáng và tối, mỗi lần một tiếng.

Tập đi trên nền cát, sỏi, đá, để các huyệt vị được kích thích thông qua hệ thống dày đặc các đầu mút thần kinh với 62 khu phản xạ thần kinh lên não.

Nếu có điều kiện, ngâm rửa chân hàng ngày vào buổi tối và kéo dài khoảng nửa tiếng trước khi đi ngủ bằng nước ấm, kèm thêm lá thơm càng tốt, rồi giảm dần nhiệt độ. Hoặc xen kẽ nóng lạnh trong hai chậu nước riêng biệt.

Các cụ nói "Sau ăn ba trăm bước - Trước ngủ một chậu ngâm chân" là thế. Kết hợp với liệu pháp tâm sinh lý, bình tâm, thảnh thơi, ngâm chân càng có hiệu quả.

Đương nhiên, nếu là trẻ em, chỉ cần rửa chân nhanh. Với bệnh nhân viêm nhiễm cấp, xuất huyết, cũng không nên ngâm chân. "Người già chân già trước", với quan niệm ấy, đông y đưa ra nguyên tắc chống lão suy rất hiệu quả từ đôi chân.

Nếu có điều kiện, cũng có thể kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi tháng một lần qua gan bàn chân. Châm một điếu ngải và để đầu cháy cách huyệt Dũng Tuyền 0,5-1 cm. Sau 10-30 giây, nếu cảm thấy nóng ở chân, sức khoẻ coi như bình thường. Thời gian để cảm giác chân nóng lên càng lâu, càng cho thấy nội tạng bị suy nhược hoặc đang mắc bệnh trọng.

Theo Tiền Phong
  • 1.926