Trên một khu đất rộng đầy ao đầm ven quốc lộ 1A thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, 12 cán bộ khoa học ở Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ vẫn ngày đêm âm thầm tìm cách bảo tồn những loài cá quí đang dần tuyệt chủng của dòng Mekong...
Gian nan với cá quí
Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, giám đốc trung tâm và hai thạc sĩ Trịnh Quốc Trọng, Huỳnh Hữu Ngãi đưa tôi đi tham quan cơ ngơi của trung tâm. Gần 400 bể composite từ 1-20m3, 60 bể ximăng dung tích 15-30m3 và 12ha mặt nước ao nuôi của trung tâm hằng năm đưa ra thị trường 10-20 triệu cá giống các loại, trong đó có nhiều loài cá hiếm như chài, éc mọi, duồng...
Hai năm gần đây, trung tâm nổi tiếng nhờ thuần dưỡng và cho sinh sản thành công những loài cá quí hiếm của sông Mekong đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn đánh bắt tận diệt như cá hô, cá bông lau, cá cóc... “Đây là một phần của dự án nuôi các loài cá bản địa sông Mekong do Ủy hội sông Mekong và Tổ chức Danida (Đan Mạch) tài trợ từ năm 2000-2010. Nói thì đơn giản nhưng để bảo tồn được một loài cá quí, anh em chúng tôi phải đổ mồ hôi sôi nước mắt” - tiến sĩ Khánh nói.
Thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi (giữa) cùng các cộng sự bên một con cá hô đã gây mê.
(Ảnh: H.ANH)
Năm 2002 khi thực hiện dự án sinh sản nhân tạo cá cóc, một loài cá quí của sông Mekong, ông Khánh phải qua thị xã Vĩnh Long, tìm đến một quán cơm chuyên bán món cá cóc kho nước dừa nổi tiếng, nài nỉ mua bằng được một con cá ướp nước đá với giá 70.000 đồng/kg về... nghiên cứu. Sau đó, các nhà khoa học của trung tâm lặn lội ngược sông Tiền, sông Hậu về Đồng Tháp, An Giang đặt hàng dân làm nghề chài lưới mua cá nhưng... công cốc dù các quán ăn lâu lâu lại xuất hiện cá cóc. Mãi đến khi trung tâm lùng sục đặt mua với giá khá cao thì những con cá cóc hiếm hoi mới chịu “bơi” về để các nhà khoa học nghiên cứu thực hiện dự án.
Giữa câu chuyện, ông Khánh bảo công nhân nhảy ùm xuống một cái ao to dùng lưới quây một vòng rộng. Lưới thu hẹp dần và mặt ao bỗng dậy sóng, đàn cá cóc mấy chục con vảy trắng bạc, lưng chơm chởm gai nhọn, ước nặng 5-7kg/con vùng vẫy “ầm ầm” trong lưới. “Gian nan lắm mới có được đàn cá này. Dù đặt giá cao nhưng nhiều năm liền trung tâm cũng chỉ mua được cá cóc bố mẹ với số lượng rất ít. Mang được cá về anh em lại mất ăn mất ngủ với những lần cá bệnh bỏ ăn, những mẻ trứng thất bại. Bây giờ đàn cá cóc này là một tài sản rất quí” - tiến sĩ Khánh nói.
Thành quả bước đầu
Trong khi đó, ở một góc trung tâm, thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi - chủ nhiệm dự án thuần dưỡng tái tạo và phát triển cá hô - cùng các công nhân đang xem xét một con cá to hơn chục ký nhưng... nằm im thin thít. “Đây là cá hô, tên khoa học là Catlocarpio siamensis, một trong những loài cá khổng lồ của sông Mekong, được trung tâm thuần dưỡng và cho sinh sản thành công. Mỗi lần kiểm tra sức khỏe hoặc lấy trứng sinh sản đều phải tiêm thuốc mê chứ bình thường 4-5 người không làm lại nó” - anh Ngãi cười. Hiện tại đàn cá hô bố mẹ ở trung tâm gồm 84 con, con lớn nhất có trọng lượng hơn 25kg, là một kỳ công của các nhà khoa học.
Cá hô - Catlocarpio siamensis (Ảnh: Zoothailand)
Thạc sĩ Ngãi kể: khi triển khai dự án bảo tồn cá hô năm 2003 trung tâm phải tung người đi khắp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang lùng mua cá hô với giá hơn 100.000 đồng/kg. Những con cá hô giống rất hiếm, nhưng được người dân nuôi làm cá cảnh trong ao từ lúc rất nhỏ nên đã thuần thục với điều kiện nuôi nhốt. Vừa nuôi vừa nghiên cứu và cho đẻ thử, mãi đến tháng 6-2005 mẻ trứng đầu tiên mới chịu nở nhưng tỉ lệ chỉ đạt 13%. Lại tìm tòi, nghiên cứu và đến mùa sinh sản năm 2006 tỉ lệ cá bột đã đạt 40%. Tháng 3-2006 trung tâm cung cấp cho các chủ bè và đăng quầng ở An Giang, Đồng Tháp 1.000 con cá giống nuôi thử, hiện nay trọng lượng đã nặng hơn 1kg/con. Hơn chục ngàn con khác đang được một công ty ở TP.HCM và các nhà khoa học của trung tâm nuôi dưỡng, theo dõi.
Anh Ngãi nói, theo lời ngư dân sông Tiền, sông Hậu, cá hô là loài có thể đạt trọng lượng hơn 200kg/con và đang ngày càng hiếm. Ở Campuchia cá hô được bảo vệ nghiêm ngặt từ năm 1987 và được công bố là loài cá quốc gia, gắn thẻ theo dõi từ tháng 3-2005, trong khi ở VN thỉnh thoảng ngư dân trên sông Vàm Nao (An Giang) lại bắt được cá hô khổng lồ và... đưa vào nhà hàng làm thịt.
Hiện các nhà khoa học ở Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ lại bắt tay nghiên cứu những loài cá quí hiếm khác của sông Mekong. Tiến sĩ Phạm Văn Khánh cho biết dù mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng hiện nay trung tâm chỉ mới thu thập và nuôi dưỡng được năm con cá trà sóc (hay còn gọi là cá sọc dưa) và hai con cá vồ cờ, là hai loài cá rất quí hiếm và gần như tuyệt chủng của sông Mekong. “Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm những loài đang có nguy cơ vắng bóng như cá sửu, cá ngác, cá lăng, cá kết, chạch lấu... để tìm cách cho sinh sản nhân tạo và khuyến khích phát triển nghề nuôi. Nếu không làm kịp thì trong tương lai không xa, nhiều loài cá quí của sông Mekong sẽ không còn tồn tại trước đà đánh bắt theo kiểu hủy diệt của con người” - ông Khánh bức xúc.
HÙNG ANH