Góc bay hiểm hóc của thiên thạch xóa sổ khủng long

  •  
  • 3.789

Thiên thạch khiến khủng long tuyệt chủng đâm xuống Trái Đất 66 triệu năm trước ở góc dốc nhất, giải phóng tối đa khí gas gây biến đổi khí hậu.

Cộng đồng nghiên cứu đều thống nhất miệng hố Chicxulub rộng 200km ở Mexico ngày nay hình thành khi thiên thạch khổng lồ đâm xuống, giết chết 3/4 sự sống trên Trái Đất. Nhưng đường bay và phương hướng của thiên thạch vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Trong nghiên cứu công bố hôm 26/5 trên tạp chí Nature Communication, nhóm nghiên cứu quốc tế cho biết mô phỏng 3D của họ chỉ ra thiên thạch rơi xuống đất theo góc 40 - 60 độ. Trưởng nhóm nghiên cứu Gareth Collins, giáo sư khoa học hành tinh ở Khoa khoa học Trái Đất và kỹ thuật của Đại học Hoàng gia London, mô tả đây là tình huống tồi tệ nhất đối với khủng long.


Thiên thạch khổng lồ tạo ra miệng hố Chicxuclub rộng 200km. (Ảnh: Fox).

"Vụ va chạm thiên thạch giải phóng lượng khí gas gây biến đổi khí hậu cực lớn vào khí quyển, thúc đẩy chuỗi sự kiện dẫn tới sự tuyệt chủng của khủng long. Quá trình này chắc chắn càng tồi tệ do thiên thạch đâm xuống ở góc chết chóc nhất", Collins cho biết. "Chúng tôi biết đây là tình huống tồi tệ nhất bởi nó làm những mảnh vụn độc hại bắn vào tầng thượng quyển nhiều hơn và phân tán khắp nơi, dẫn tới mùa đông nguyên tử".

Vụ va chạm tạo ra hàng tỷ tấn lưu huỳnh và nhiều loại khí khác trong khí quyển, che khuất Mặt Trời kéo theo nhiệt độ Trái Đất giảm mạnh. Nhóm nghiên cứu ở Đại học Hoàng gia London, Anh, Đại học Freiburg, Đức và Đại học Texas, Mỹ, kiểm tra hình dạng và kết cấu miệng hố va chạm cũng như mẫu đất đá lấy từ đó. "Dù bị chôn sâu bên dưới gần một kilomet đá trầm tích, dữ liệu địa vật lý hé lộ nhiều điều về kết cấu hố, phản ánh phương hướng và góc va chạm", Auriol Rae, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Freiburg, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Thông tin này và những dữ liệu khác được sử dụng để xây dựng mô hình mô phỏng quá trình hình thành miệng hố Chicxulub, giúp các nhà nghiên cứu xác định hướng và góc bay của thiên thạch. Họ cân nhắc 4 góc khác nhau là 90, 60, 45 và 30 độ. Nhóm nghiên cứu cho rằng góc 60 độ có khả năng cao nhất dựa trên quan hệ giữa ba vị trí là tâm hố, vành hố và trung tâm lớp đá mantle bị đẩy lên ở độ sâu 30 km bên dưới hố.

Tại miệng hố Chicxulub, các vị trí này xếp theo hướng tây nam - đông bắc và mô phỏng 3D ở góc 60 độ cho kết quả gần giống hệt dữ liệu quan sát. Theo nhóm nghiên cứu, góc va chạm này tạo ra nhiều khí gas gây biến đổi khí hậu như lưu huỳnh và carbon dioxide hơn va chạm nông hoặc gần thẳng đứng.

Cập nhật: 27/05/2020 Theo VnExpress
  • 3.789