Hãy tưởng tượng bạn tìm thấy một thị trường mới màu mỡ, hoàn toàn phù hợp với dịch vụ công ty bạn đang cung cấp. Trông nó chẳng khác gì một mỏ vàng, và sếp bạn cũng thừa nhận "cơ hội lớn nhất là đây".
Chỉ có một điều kiện: Cách duy nhất để bạn xâm nhập thị trường này là phải thay đổi được quy luật cuộc chơi, buộc tất cả những đối thủ khác (đã vào thị trường từ lâu và có vai có vế hẳn hòi) phải thay đổi theo mình.
Nghe có vẻ bất khả thi ư? Ấy thế mà Google lại đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy khi "bon chen" kinh doanh Internet di động.
Sân chơi riêng, luật chơi riêng
Thế giới di động hoàn toàn khác biệt với cái sân chơi Internet tự do và mở cửa mà Google đang làm mưa làm gió. Thường thì các mạng di động "là cha là mẹ", toàn quyền quyết định dịch vụ nào thì cho hợp tác, dịch vụ nào thì không.
Những dịch vụ hốt bạc giống như khu vườn cấm, không ai được bén mảng tới. Trong mọi cuộc thương thuyết, họ đều tự cho mình ngồi ở cửa trên để ra điều kiện.
Một mạng di động có quyền chấp nhận con dế A kết nối vào mạng của họ, để rồi lạnh lùng sập cửa trước con dế B chỉ vì nó tải sẵn những ứng dụng phần mềm mà họ không vừa lòng.
Đồng thời, các hãng sản xuất điện thoại cũng chẳng có điểm nào giống với các hãng máy tính cá nhân. Không chỉ kiểm soát phần cứng, họ còn can thiệp sâu sắc vào những phần mềm cài đặt trong máy. Lẽ dĩ nhiên, họ chẳng muốn chia sẻ miếng bánh phần mềm với ai.
Tất cả những lời dài dòng kể trên đã giải thích rõ tình cảnh Google lúc này.
"Âm mưu" ấp ủ
Tháng trước, Google đã "châm ngòi nổ" cho một làn sóng giận dữ khi nhằm vào AT&T và một số đại gia truyền thông khác của Mỹ.
Mọi chuyện bắt nguồn khi Google bỏ thầu tới 4,6 tỷ USD, cố mua bằng được dải tần không dây mới. Nếu thành công, Google sẽ được toàn quyền "nhào nặn" dải tần này theo ý mình, kiểm soát mọi mạng di động vào - ra.
Bên cạnh đó, giới báo chí rỉ tai nhau rằng Google đang đàm phán với một số hãng điện thoại châu Á về việc thiết kế và phát hành một họ ĐTDĐ riêng, mang nhãn hiệu Google.
Giả sử tin đồn này là không đúng (tức là sẽ không có con dế Google trong mơ), thì ý định xây dựng một hệ sinh thái di động, nơi phần mềm Google là hạt nhân trung tâm cho sản phẩm của các hãng ĐTDĐ hàng đầu xoay quanh, đúng là có thật.
Đến đây, người ta buộc phải tự hỏi rằng liệu Google định làm gì? Nhảy vào phần cứng ư? Hay tự lập một mạng di động riêng, cạnh tranh với những AT&T và Sprint?
Háo hức nhảy vào thị trường di động, liệu Google có trở thành một mạng di động, một nhà sản xuất ĐTDĐ và một công cụ tìm kiếm trực tuyến "tất-cả-trong-một" hay không?
Lối thoát nào?
Câu trả lời chắc chắn là không. Trên thực tế, nó là vấn đề về mô hình kinh doanh nhiều hơn. Google sống được là nhờ tầm phủ sóng rộng khắp của nó. Hãng muốn vươn ra xa hơn, tới càng nhiều người dùng trên hành tinh cùng lúc.
Việc tự dựng mình lên như một đối thủ của AT&T hay Nokia chẳng giúp ích gì, lại còn hạn chế dịch vụ tìm kiếm mà hãng cung cấp.
Vậy thực ra Google đang âm mưu gì? Có vẻ như hãng đang muốn bắt chước Apple, làm cái điều mà cả ngành công nghiệp di động phải nín thở theo dõi.
Con dế iPhone đã chứng tỏ một điều: Phát minh đích thực có thể làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi. Để dành được vị thế nhà phân phối độc quyền iPhone, AT&T đã thể hiện một sự nhượng bộ chưa từng có trước Apple, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận kiếm được một cách hào phóng.
Tóm lại, hãy buộc ngành di động phải cần đến anh, cầu viện và tranh giành anh, nếu muốn thành công. Phải chăng đó là thông điệp mà Eric Schmidt (Giám đốc điều hành Google) đang học được từ Steve Jobs (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Apple)?
Trọng Cầm