Gương mặt lật tẩy cảm xúc thực của người nói dối

  •  
  • 3.245

Bằng cách nào chúng ta biết được ai đang nói dối, ai không? Một nghiên cứu mới thực hiện tại phòng thí nghiệm tâm lý pháp lý Stephen Porter tại đại học Dalhousie đã cho thấy gương mặt sẽ tiết lộ cảm xúc thực của người nói dối nhưng không theo những cách giống nhau.

Khẩn khoản nhờ giúp đỡ tìm người vợ mất tích, Michael White vừa khóc vừa thổn thức. “Vợ tôi là một người tốt, cô ấy chẳng làm hại ai bao giờ. Nếu ai đó thấy cô ấy, hoặc thấy cái này hãy cứ ở nguyên đó rồi chúng tôi sẽ đến tìm”, người chồng nước mắt lưng tròng lên tiếng khi đang ngồi trên chiếc ghế xôfa trong phòng khách tại căn nhà ở Edmonton sau khi người vợ đang mang thai Liana White mất tích vào tháng 7 năm 2005. Người dân Canada mặc dù không thể giúp nhưng cũng rất xúc động trước lời cầu xin cũng như tình cảnh của người đàn ông khốn khổ.

3 ngày sau, anh ta lộ chút giận dữ khi nói chuyện với phóng viên khi đang trong lúc buồn khổ. Anh ta nói anh rất bực tức với việc điều tra của cảnh sát nên sẽ tự mình đi tìm vợ. Anh ta dẫn một nhóm người tìm kiếm tự nguyện đến thẳng chỗ thi thể của người vợ trong một cái hào nước ở ngoại ô thành phố. Ngay lập tức anh bị cảnh sát bắt. Anh ta đã nói dối bấy lâu. Michael White bị buộc tội và kết án tội danh giết người cấp độ 2 và làm nhục thi thể.

Nghiên cứu sinh Leanne ten Brinke thể hiện hai gương mặt khác nhau. (Ảnh: Danny Abriel)

Bằng cách nào chúng ta biết được ai đang nói dối, ai không? Một nghiên cứu mới thực hiện tại phòng thí nghiệm tâm lý pháp lý Stephen Porter tại đại học Dalhousie đã cho thấy gương mặt sẽ tiết lộ cảm xúc thực của người nói dối nhưng không theo những cách giống nhau. Nhưng dấu hiệu không phải là ánh mặt gian giảo, chân mày chảy mồ hôi hay cái mũi kéo dài như Pinocchio mà một cái máy phát hiện nói dối tìm kiếm.

Thay vào đó, các nhân tố khác thể hiện trên gương mặt của người nói dối sẽ lật tẩy họ, những suy nghĩ thực sẽ tự hiện ra trên gương mặt của người nói dối. Khi Porter và nhóm của ông phân tích lời cầu khẩn của White từng li từng tí, họ đã phát hiện ra dấu tích của cơn giận cũng như sự căm phẫn lộ diện trên gương mặt nhưng đa số người ủng hộ không hề nhận ra điều đó.

Leanne ten Brinke – nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý học thí nghiệm cộng tác trong nghiên cứu – cho biết: “Khuôn mặt và hệ thống cơ của nó khá phức tạp – phức tạp hơn nhiều bất cứ bộ phận nào thuộc phần cơ thể bên ngoài. Có những cơ trên mặt chúng ta không thể điều khiển được. Những cơ đó sẽ không thể hoạt động nếu thiếu cảm xúc thực sự”.

Tiến sĩ Porter cho biết thêm: “Nếu ai đó đang nói dối một điều mang lại hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như việc nhận án tù chung thân chẳng hạn, thì dù thế nào lời nói dối cũng sẽ bị lật tẩy. Không giống ngôn ngữ cơ thể, chúng ta không có khả năng điều khiển hoặc kiểm soát hoàn toàn những gì diễn ra trên gương mặt. Nghiên cứu này là chứng minh thực nghiệm chi tiết đầu tiên về những bí mật được tiết lộ khi con người đeo một bộ mặt giả, kiềm chế hay giả tạo các cảm xúc khác nhau”.

Bài viết dựa trên nghiên cứu với tiêu đề “Hiểu ẩn ý: nhận diện cảm xúc giả mạo hoặc bị che giấu nhờ biểu hiện trên gương mặt” được đăng tải trên số ra tháng 5 của tờ Psychological Science. Nghiên cứu này là nghiên cứu tổng thể đầu tiên về 4 hình thái cảm xúc bí ẩn tiết lộ trên gương mặt chúng ta: vui, buồn, giận dữ, và sợ hãi. Họ cũng tiến hành kiểm định một giả thuyết bắt nguồn từ Charles Darwin năm 1872 rằng có những phản xạ cụ thể trên gương mặt không thể được hình thành nếu chỉ vì chúng ta muốn. Không những thế, biểu hiện trên gương mặt có thể còn vô tình thể hiện cảm xúc thật.

Darwin có viết trong cuốn sách “Thể hiện cảm xúc ở người và động vật” rằng: “khi một người đàn ông giận dữ ở mức độ vừa phải hoặc ngay cả khi nổi khùng có thể ‘thượng cẳng chân hạ cẳng tay’, thì hệ cơ trên mặt anh ta lại là những kẻ cứng đầu nhất, không chịu nghe theo ý muốn của anh ta và đôi khi chỉ riêng chúng cũng lật tẩy được một cảm xúc thoáng qua”.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, tiến sĩ Porter và cô ten Brinke đã chọn người tham dự trưởng thành và cho họ quan sát hình ảnh thể hiện các cảm xúc từ vui (hình ảnh chơi đùa với chú cún con) đến sợ hãi (hình ảnh cận cảnh một con chó dại đang há miệng), cảm xúc ghê tởm (một bàn tay xấu xí). Người tham gia cũng được chỉ dẫn để thể hiện cảm xúc thực hoặc cảm xúc giả tạo. Ví dụ như họ sẽ được chỉ đạo để cười khi nhìn hình ảnh bản tay xấu xí. Phản ứng của họ được ghi hình lại cho những người quan sát tự nguyện khác theo dõi và đánh giá trong khi những người này không xem các bức hình tương đương. 697 đoạn phim ngẳn được phân tích tỉ mỉ từng cảnh một với trên 100.000 cảnh.

Kết quả là không một người tham gia nào có thể làm giả cảm xúc một cách hoàn hảo. Những điệu bộ không đúng chỗ - như một nụ cười ngớ ngẩn hay cái chớp mắt nhanh chóng khi biểu đạt gương mặt buồn – rất dễ xuất hiện khi người tham gia cứ cố để đánh lừa. Một số kiểu cảm xúc khó giả mạo hơn những kiểu khác: giả vờ vui thì dễ hơn là giả mạo cảm giác sợ hãi hay ghê tởm.

Các nhà nghiên cứu có thể thấy rõ điệu bộ rất nhỏ, cảm xúc thực chỉ lóe lên trong vòng 1/5 đến 1/25 giây trên gương mặt của người tham gia được chỉ dẫn phải nói dối.

Cô ten Brinke cho biết: “Biểu hiện của gương mặt dường như phá vỡ sự giả tạo khiến những cảm xúc khác thể hiện trên gương mặt, dù có chóng vánh đến mức nào. Khi nhìn thấy những biểu hiện gương mặt như thế này ở một người nào đó, chúng ta phải thăm dò bằng câu hỏi để tìm ra tại sao anh ta lại có suy nghĩ như vậy”.

Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh rằng đa phần trạng thái cảm xúc mâu thuẫn lóe lên chủ yếu ở cả phần mặt trên hoặc dưới. Thêm vào đó, hoạt động vô nghĩa của cơ đôi khi cũng có trong cảm xúc thực. Điều đó có nghĩa là muốn tìm hiểu chính xác chỉ có thể dựa trên câu hỏi phù hợp. Nhận diện người nói dối là một công việc đòi hỏi sự tinh tế và cũng là một kỹ năng mà đa phần mọi người đều kém – đặc biệt là những người thích thú nắm thóp những kẻ nói dối.

Tiến sĩ Porter cho biết: “Nghiên cứu này có tất cả mọi hình thức ứng dụng tiềm năng, từ cuộc sống thường ngày đến những môi trường như cuộc chất vấn trong sở cảnh sát, kiểm tra an ninh tại sân bay hay phòng xử án. Mọi người đều cố để biết ai là người nói thật, ai nói dối. Và nếu bị nói dối thì tất cả chúng ta đều thấy bị tổn thương”.

Bước tiếp theo của nghiên cứu sẽ là tìm hiểu biểu hiện trên gương mặt của những kẻ nói dối như Michael White – người đã bịa ra câu chuyện và lời van xin khẩn thiết được nhiều người biết đến. Cô ten Brinke và tiến sĩ Porter đã thu thập và phân tích trên 60 cuốn băng lấy từ cuộc sống hàng ngày và những vụ cá cược ở Canada, Hoa Kì, Anh và Australia.

Cô ten Brinke giải thích rằng: “Nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm hiểu và mang lại cho nhân viên điều tra cũng như cảnh sát một cái nhìn khách quan hơn về những lời nói dối có thể trong các trường hợp như thế”.

Dường như chỉ gương mặt thôi cũng đã nói lên tất cả.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 3.245