H5N1 đã tấn công châu Âu

  •  
  • 106

Trước nguy cơ đại dịch cúm toàn cầu

H5N1 đã tấn công châu Âu

Hoa hồi

Ngày 24-10, các chuyên gia y tế từ hơn 50 nước đã có một cuộc họp ở Copenhagen (Đan Mạch) để bàn cách đối phó với dịch cúm gia cầm.

Buổi tối, một cuộc họp khác giữa các bộ trưởng và chuyên gia y tế từ 30 nước, các đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) đã được tiến hành ở Ottawa (Canada) nhằm thành lập một mặt trận phối hợp quốc tế đối phó với đại dịch. Thế giới đã không thể ngồi yên khi cúm gia cầm đang lan nhanh từng ngày.

H5N1, virus cúm gia cầm có độc lực mạnh nhất từ trước tới nay, loại đã gây ra cái chết của hơn 60 nạn nhân ở châu Á, vừa giáng cho châu Âu đòn choáng váng sau khi một số kết quả xét nghiệm cho thấy loại virus này đã có mặt hầu như ở đủ hai bờ đông tây của châu lục này.

Cùng lúc với các phòng thí nghiệm Nga khẳng định H5N1 đã lây tới Tambov, cách Matxcơva 400km về phía tây nam, phòng thí nghiệm Anh cũng xác định con két nhập từ Nam Mỹ và chết trong phòng cách ly tại cửa khẩu cách đây vài ngày mang trong người loại virus có độc lực cao nhất này.

Châu Á nóng lên từng ngày

Tại châu Á, tình hình tiếp tục nóng lên từng ngày. Nhà chức trách Malta vừa phong tỏa một container hàng từ Đài Loan sau khi phát hiện hai con gà chết trên tàu. Các nhân viên làm việc trên tàu không được phép lên bờ trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Cảnh sát biên giới Malaysia bắt giữ một chiếc xe tải khai báo mang trái cây từ Thái Lan sang nhưng thật ra lại chứa trong lòng 12 tấn thịt gà đông lạnh.

Nhiên liệu chính cho việc sản xuất thuốc Tamiflu là acid shikimic, một chất chiết xuất từ cây hồi.

Trong nhiều năm qua, Roche thu mua cây hồi tại bốn tỉnh Trung Quốc để sản xuất loại thuốc có qui trình kéo dài tới một năm này.

Gần đây, một số người báo động số lượng cây hồi tại bốn tỉnh này không đủ đáp ứng mức cầu hiện nay.

Tuy vậy, theo Đài Loan, lãnh thổ đang đòi quyền sản xuất Tamiflu, nói nơi này có những nguồn hồi khác. 

Ở Thái Lan, chính phủ nước này tuyên bố bốn tỉnh Suphan Buri, Kampheng Phet, Nakhon Pathom và Kanchanaburi đang được đặt trong tình trạng theo dõi nghiêm ngặt. Khoảng 900.000 thiện nguyện viên vừa được gửi đi khắp các làng mạc để tìm kiếm những trường hợp nghi nhiễm cúm hầu có biện pháp khắc phục tức thì.

Úc lập vùng đệm

Nằm về phía nam Thái Bình Dương, Úc quyết định lập một "vùng đệm" rộng 1.000km ở phía bắc nước này nhằm cố gắng ngăn chặn bước tiến của cúm gia cầm. Giới chức trách Úc đang khẩn trương huấn luyện nhân viên tại các nước láng giềng Đông Timor, Papua New Guinea và Indonesia để phát hiện chim nhiễm bệnh và ngăn chặn dịch bệnh. Tại Trung Đông, các nước Israel và Jordan thiết lập đường dây nóng để trao đổi thông tin về cúm gia cầm...

Hong Kong: "Roche kỳ thị"

Về tình hình thuốc Tamiflu, cộng đồng y tế Hong Kong đã lên tiếng chỉ trích Công ty dược Roche của Thụy Sĩ là "kỳ thị" đối với châu Á và "vô đạo đức". Theo ông Kwok Ka - ki, đại diện Hội đồng lập pháp Hong Kong, tuy Roche có một số động thái nhượng bộ trước áp lực của Mỹ và LHQ nhưng đối với châu Á, Roche đã cố tình tảng lờ các yêu cầu.

Những vị đại diện Hong Kong đề nghị thay vì chờ sự ban ơn của phương Tây, Hong Kong và Trung Quốc đại lục phải đấu tranh giành quyền sản xuất thuốc Tamiflu: "Chúng ta phải bắt đầu càng sớm càng tốt sản xuất thuốc cho khu vực. Như vậy chúng ta còn có thể kiểm soát giá cả".

THỦY TÙNG (THX, BKP, Reuters, TST)

Theo Tuổi trẻ Online
  • 106