Biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến cho mưa, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Vì vậy Hà Nội cần phải lường trước và có kế hoạch kiểm soát các mối nguy hại trong quá trình hoạt động của hệ thống cấp nước.
Đây là kiến nghị của các nhà khoa học tại hội thảo: “Biến đổi khí hậu và hệ thống nước đô thị, giải pháp quản lý và thích ứng thích hợp” do Trường Đại họ Tokyo, Nhật Bản và Trường Đại học Xây dựng Việt Nam tổ chức hôm 6/3 tại Hà Nội.
Trận lũ năm 2008 khiến Hà Nội ngập lụt trong nhiều ngày
đã khiến các cơ quan chức năng cũng phải lúng túng.
Theo TS Nguyễn Tiền Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện giải pháp chống lũ do mưa nội đồng chủ yếu dựa vào hệ thống tiêu thoát của nội thành Hà Nội và lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Hệ thống hồ điều tiết nội thành Hà Nội cũng đóng góp một phần vào quá trình chống úng lụt của thành phố, song đang ngày càng bị thu hẹp. Do vậy cần phải kiểm tra lại hệ thống cấp, thoát nước của Hà Nội và có giải pháp thích hợp khi tình hình xấu xảy ra.
Một thực tế được TS Phạm Ngọc Thái, Hội Cấp thoát nước Việt Nam chỉ ra là, phát triển hệ thống cấp nước độ trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và BĐKH gặp nhiều khó khăn hơn. Nguyên nhân là do phát triển trên cơ sở cải tạo mở rộng các hệ thống cấp nước của đô thị đã được xây dựng trước đây trong khi đó Hà Nội lại thiếu tài liệu lưu trữ mạng lưới cấp nước đang có. Vì vậy cần phải lường trước và có kế hoạch kiểm soát các mối nguy hại, phòng ngừa không đợi đến lúc sự cố xảy ra mới can thiệp.
Tại Hà Nội bản đồ ngập lụt trên toàn địa bàn thành phố ứng với trận mưa lớn tháng 11/2008 đã xây dựng cho thấy tình trạng ngập lụt xảy ra ở hầu khắp mọi nơi. Khi đó, các giải pháp can thiệp thể hiện sự lúng túng, cộng với sự tê liệt, quá tải của khá nhiều điểm cấp, thoát nước đã khiến Hà Nội ngập lụt kéo dài trong nhiều ngày. Theo các chuyên gia, đây chính là bài học và sự kiểm chứng rõ ràng nhất để Hà Nội có thể bắt tay ngay vào công tác này trước khi sự cố xảy ra.