Hà Nội rung chuyển vì chấn động cấp 4

  •  
  • 198

Viện Vật lý địa cầu vừa cho VnExpress biết, 15h56 chiều nay tại Hà Nội đã xảy ra chấn động mạnh cấp 3- 4 do ảnh hưởng của động đất 6,1 độ richter tại khu vực phía Bắc Lào. Hàng nghìn người hoảng loạn tháo chạy khỏi các cao ốc.

 "Với chấn động cấp độ 3-4, các nhà cao tầng sẽ bị rung chuyển nhẹ, tuy nhiên không thể phá hủy nhà cửa. Những người ở tầng thấp sẽ không cảm nhận được chấn động", ông Nguyễn Văn Yên, cán bộ Viện Vật lý địa cầu nói. Ông cũng cho biết, tại Điện Biên chấn động mạnh cấp 6.

Nhiều khu vực của Hà Nội liên tiếp hứng chịu hai cơn rung chấn nhẹ. Những người đang làm việc trong các tòa nhà cao tầng cảm nhận rõ nhất sự rung lắc, đã tháo chạy ra ngoài. Khoảng16h15, bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thẻ (Vietcombank), đang phải sơ tán ở bên ngoài trụ sở, cho biết: "Gần 16h, tòa nhà đã báo động yêu cầu mọi người phải sơ tán khẩn cấp".

Bà Tú Anh kể lại, trước khi có báo động, mọi người trong phòng cùng nhận thấy đồ vật bị rung chuyển, rõ nhất là màn hình máy tính. Riêng Vietcombank, chỉ những cán bộ có trách nhiệm bảo quản hiện vật, tài sản mới phải lưu lại để làm thủ tục lưu kho, tất cả những người khác đều ngay lập tức rời trụ sở bằng cả thang bộ lẫn thang máy.


Nhân viên các văn phòng sơ tán xuống đất vì sợ động đất.
Ảnh chụp lúc 16h15 tại số 4A Láng Hạ, Hà Nội. (Ảnh: VNN)

Hiện tượng này cũng xảy ra ở hàng loạt các cao ốc khác ở Hà Nội như tháp đôi Vincom (phố Bà Triệu), tòa nhà Bộ Tài chính (phố Trần Hưng Đạo), Melia (phố Lý Thường Kiệt), Hòa Bình Tower (đường Hoàng Quốc Việt), Tungshing (phố Ngô Quyền). Các tuyến phố Bà Triệu, Láng Hạ, Lò Đúc, Đào Duy Anh, Lý Thường Kiệt... người dân hoảng loạn đổ ra đông nghẹt đường

Hà Nội nằm trên đới đứt gẫy của sông Hồng, trong vùng động đất cấp 8. Đây cũng là khu vực có mật độ dân số cao, tốc độ đô thị hóa nhanh. Do đó, Hà Nội được coi là khu vực có độ nhạy cảm cao về động đất. Theo các tài liệu lịch sử, nhiều trận động đất gây chấn động mạnh từng xuất hiện ở cố đô Thăng Long vào những năm 1277, 1278 và 1285.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, người đang làm việc tại tầng 7, tòa nhà số 25 Lý Thường Kiệt, kể lại: "Tự nhiên, tôi có cảm giác chóng mặt, giống như tụt huyết áp. Trong phòng cũng có nhiều người phàn nàn như vậy, nhưng không ai nghĩ là động đất. Chỉ đến khi có một người chạy vào kêu lên động đất thì mọi người mới biết".

Anh Đạt cho biết, rung động khoảng 2 lần, mỗi lần kéo dài vài chục giây. Sau một chút lo lắng, thấy tình hình yên nên mọi người trong văn phòng anh Đạt đã trở lại làm việc bình thường.

Tại tòa nhà 21 tầng Vincom (phố Bà Triệu), hàng nghìn nhân viên đã theo lối cầu thang bộ đổ xuống đường do lo ngại động đất. Chị Minh, nhân viên một công ty du lịch làm việc ở tầng 7, kể lại: "Cảm giác như bị say sóng, máy tính, bàn cửa... lắc nhẹ. Rõ nhất là rèm cửa, không hề có gió rung mạnh".

Chị Minh cho biết thêm, tòa nhà 21 tầng bây giờ trống trơn, chỉ có các bảo vệ chia nhau ra trông giữ tài sản. Nhiều nhân viên văn phòng thậm chí không kịp mang dép, chen chúc trong cầu thang máy để xuống đường.

Tâm động đất (màu đỏ) xảy ta tại Lào.

Trao đổi với VnExpress, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, Việt Nam có khả năng xảy ra những trận động đất mạnh đến hơn 7 độ Richter. Năm 1983 tại Tuần Giáo (Lai Châu) đã có động đất mạnh 6,7 độ Richter. Năm 2001 tại Điện Biên cũng có động đất làm hư hại hàng nghìn nóc nhà. Vụ động đất gần đây nhất xảy ra tại Đô Lương (Nghệ An) năm 2006. Tại Hà Nội, trong vài thế kỷ gần đây không xảy ra động đất mà chỉ bị ảnh hưởng của động đất.

Lịch sử đã ghi nhận Hà Nội từng xảy ra động đất, nhưng từ thế kỷ 12. Động đất đã làm vỡ đôi bia đá ở chùa Báo Thiên (khu vực Nhà Thờ Lớn của Hà Nội hiện nay), chấn động đạt khoảng cấp 8. "Chu kỳ động đất tại Việt Nam tới 1.000 năm, nên một đời người khó có thể hai lần chứng kiến được động đất", ông Nguyễn Văn Yêm, cán bộ Viện Vật lý địa cầu cho biết.

Cục trưởng Cục giám định (Bộ Xây dựng) Trần Chủng cho biết, theo tiêu chuẩn Việt Nam, tất cả tòa nhà từ 9 tầng trở lên phải nghiên cứu thiết kế đáp ứng động đất cấp 7, ngoài ra còn phải có hệ số dự trữ an toàn nhất định. Thiết kế tòa nhà muốn được thông qua phải đảm bảo tiêu chuẩn này.

Lý giải về việc các tòa nhà ở Hà Nội chỉ đáp ứng yêu cầu chịu đựng động đất ở cấp 7, một chuyên gia xây dựng cho biết: "Do hiếm khi xảy ra động đất ở cấp tối đa, nên chỉ các công trình đặc biệt mới thiết kế chịu động đất ở cấp này".

Ông Nguyễn Văn Yên, cán bộ Viện Vật lý địa cầu cho hay, trận động đất chiều nay là một trận rất hiếm gặp vì có đầy đủ tiền chấn, chủ chấn và dư chấn. Trước đó, lúc 21h35 phút, tại phía Bắc Lào đã xảy ra một trận động đất với cường độ 4,5 độ richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km. Nhưng do tiền chấn này không mạnh, nên Viện không cảnh báo. Sau trận chủ chấn lúc 15h56 ngày 16/5, đến 17h30 cùng ngày, Viện ghi nhận được 4 dư chấn, song chưa xác định cường độ.

Ông Yêm cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, tại Việt Nam đã 3-4 lần ghi nhận được động đất, nhưng với cường độ yếu. Ngày 2/5, tại tỉnh biên giới Điện Biên, khu vực tiếp giáp Lào, đã ghi nhận trận động đất mạnh 4,7 độ richter. Tiếp đó, ngày 6/5, tại Hòa Bình cũng xảy ra động đất cường độ 2,1 độ richter. "Dù cường độ yếu, nhưng chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ vì động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Hòa Bình", ông Yêm nói.


Động đất xảy ra ở phía bắc Lào, tại trung tâm Tam giác vàng. (Ảnh: USGS)

Nhóm phóng viên

Theo Vnexpress
  • 198