Hà Nội sẽ sử dụng trạm thu gom, xử lý nước thải ở Hồ Tây

  •  
  • 802

Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án Hạ tầng Kỹ thuật Xung quanh Hồ Tây, quý III/2006, Hà Nội khánh thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải xung quanh Hồ Tây.

"Chúng tôi cố gắng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công tác lắp đặt, chạy thử và đưa vào sử dụng trạm thu gom và xử lý rác thải ở Hồ Tây vào quý III/2006", kỹ sư Nguyễn Đăng Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án, cho hay.

Do nằm trên khu vực chủ yếu là đất nông nghiệp và khu vực đầm lầy (toàn bộ khu đất 46.037m2 thuộc khu Đầm Bảy, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực xung quanh Hồ Tây không vấp phải nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, dự án này lại gặp khó khăn lớn trong việc đàm phán mua dây chuyền công nghệ và thiết bị. Theo hợp đồng được ký, phương án thiết kế dây chuyền công nghệ cho trạm thu gom và xử lý nước thải do Công ty Vatech Wabag GMBH (Cộng hoà áo) thực hiện trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam.

Thực tế, để có được ý kiến cuối cùng của các chuyên gia Việt Nam, nhà thầu phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi vì những thủ tục phiền hà và rắc rối.

Ban Quản lý Dự án đang "chạy đua với thời gian" nhằm kết thúc giai đoạn đàm phán mua công nghệ và hoàn tất các thủ tục triển khai thiết kế bản vẽ thi công gồm 10.185m tuyến ống chính, 5.135m tuyến ống phụ và 7 trạm bơm chuyển bậc.

"Đến cuối tháng 12/2005, Ban Quản lý Dự án sẽ hoàn tất các thủ tục đấu thầu xây lắp để triển khai và hoàn thành công tác xây lắp đặt vào tháng 5/2006. Dự kiến, công trình sẽ đưa vào chạy thử và đưa vào sử dụng vào tháng 7 hoặc tháng 8/2006", kỹ sư Hưng hy vọng.

Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải là một hạng mục quan trọng nằm trong Dự án Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật Xung quanh Hồ Tây được thành phố Hà Nội phê duyệt bổ sung từ năm 2002. Mục đích chính của công trình là thu gom và xử lý nước thải lưu vực Hồ Tây (nơi mà nước thải ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước Hồ Tây), ngăn chặn nước thải ảnh hưởng trực tiếp vào hồ nhằm bảo vệ, tôn tạo và khai thác mặt nước hồ và khu vực xung quanh Hồ Tây.

Dự án có mức kinh phí đầu tư rất lớn, ngoài chi phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng thì số tiền khổng lồ còn lại sẽ được tiêu dùng vào việc xây dựng hệ thống ống, thu gom đến các trạm bơm chuyển bậc và trạm xử lý tập trung và hệ thống đường ống xả sau trạm xử lý tập trung, xây dựng các trạm bơm chuyển bậc để tập trung nước thải về trạm xử lý tập trung, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, công suất 7.500m3/ngày đêm tại khu vực Đầm Bảy, .v.v...

Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn A theo tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp được xả vào hệ thống thoát nước chung của thành phố và bổ cập vào Hồ Tây khi cần thiết (việc bổ cập nước vào Hồ Tây chỉ được triển khai sau khi đã có các kết quả nghiên cứu chất lượng nước sau xử lý, đảm bảo cân bằng sinh thái nước Hồ Tây

Theo Bộ tài nguyên & môi trường
  • 802