Ở độ sâu gần 700m dưới biển, phương tiện vận hành từ xa ghi hình cảnh tượng hải quỳ săn mồi nhanh như chớp nhờ các xúc tu.
Hải quỳ tóm gọn bọ biển. (Video: EVNautilus).
Nhóm chuyên gia trên tàu nghiên cứu Nautilus của tổ chức phi lợi nhuận Ocean Exploration Trust sử dụng phương tiện vận hành từ xa (ROV) Hercules để khám phá nón núi lửa Nafanua thuộc núi lửa ngầm Vailulu'u trong Khu bảo tồn biển quốc gia Samoa thuộc Mỹ. Họ bắt gặp một cảnh tượng bất ngờ trong lúc quan sát hải quỳ ở độ sâu 688 m dưới biển, IFL Science hôm 24/9 đưa tin.
Thước phim ghi lại cho thấy, ban đầu, các nhà nghiên cứu rất vui vẻ ngắm những con hải quỳ màu hồng đẹp mắt. Tuy nhiên, họ lập tức chuyển sang kinh ngạc khi một con bọ biển gần đó trở thành bữa ăn nhanh của hải quỳ. Kẻ đi săn vươn những chiếc xúc tu tóm gọn con bọ, không cho nó có cơ hội chạy thoát.
Dù vẻ ngoài kỳ lạ, hải quỳ là động vật và là kẻ săn mồi khá đáng gờm. Chúng có họ hàng gần với san hô, sứa, và sở hữu những xúc tu chứa nọc độc để bắt cá hoặc con mồi khác tới gần. Những quan sát như của ROV Hercules có thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các loài vật sống ở nơi xa xôi dưới biển.
Hải quỳ là động vật và là kẻ săn mồi khá đáng gờm
Con bọ trong video thực chất thuộc bộ Chân đều (Isopoda), gồm hơn 10.000 loài động vật giáp xác. Dù kích thước khác biệt lớn, các loài trong bộ này đều có điểm chung là hai cặp râu, cơ thể chia thành 7 đoạn mỗi đoạn có một cặp chân riêng. Không chỉ sống dưới nước, nhiều động vật thuộc bộ Chân đều cũng sống trên cạn, ví dụ như mối.
Vailulu'u là một địa điểm quan trọng ở Nam Thái Bình Dương, cách Hawaii 3.700km và cách đông bắc New Zealand 2.414km. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm hiểu thêm về đặc điểm sinh học, địa chất và hóa học của các môi trường núi lửa biển sâu như vậy.