Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người...) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi. Nếu một quan hệ chỉ mang lại lợi ích cho một bên thì quan hệ đó sẽ không tồn tại được lâu dài. Đó là quy luật cộng sinh.
Loài tôm vệ sinh này liều lĩnh một cách điên rồ. Chúng cả gan leo vào cái miệng đầy răng nhọn hoắt lởm chởm của những con lươn, đào bới quanh răng chúng để tìm thức ăn. Đây là tập quán kiếm ăn đã có từ lâu đời của loài tôm này, chúng chuyên ăn những ký sinh trùng trong miệng của các loài lươn và cá.
Một số loài ốc mượn hồn và cua biển thường cõng hải quỳ trên lưng. Chẳng phải hải quỳ mỏi chân và muốn đi nhờ, thật ra cả 2 đều được lợi: ốc thì dùng hải quỳ để xua đuổi kẻ thù (vì hải quỳ có chứa độc tố trong những chiếc tua của mình), ngược lại, hải quỳ nhờ ốc mà có thể thoát khỏi tình trạng “bán thân bất toại” và có thể kiếm được nhiều thức ăn hơn khi chu du cùng ốc.
Cá bống biển và tôm vỏ cứng chung sống vui vẻ cùng nhau. Cả 2 cùng sống trong 1 cái hang do tôm đào, và cá lại có nhiệm vụ bảo vệ tôm. Thị lực của loài tôm này rất kém, dó đó chúng phải nhờ bống vốn rất tinh mắt cảnh giới cho lúc nào thì an toàn để ra ngoài. Ngược lại, bống thì nhờ tôm mà có được một “ngôi nhà” để nương náu và nghỉ ngơi.
Cá mập có lẽ là loài ít được yêu mến nhất dưới đại dương. Chúng to xác, dữ dằn, độc ác. Vậy tại sao chúng lại quá rộng lượng để cho loài cá ép bám vào dưới bụng của mình? Trước đây, quan hệ này được cho là quan hệ hội sinh – một loài được hưởng lợi, còn một loài chẳng hưởng được gì, nhưng bây giờ mọi sự đã rõ, không chỉ nhặt nhạnh thức ăn thừa của cá mập, cá ép còn giúp dọn dẹp các loài ký sinh sống dưới bụng của cá mập; và lợi ích chúng hưởng từ cá mập đã quá rõ ràng: dù thèm món cá ép đến mấy nhưng chẳng con vật nào dám cả gan lượn lờ trước mặt “tử thần”.
Cá vảy chân có ngoại hình thật kinh khủng, chúng cũng khá thủ đoạn khi dùng chính nạn nhân của mình để dụ dỗ các nạn nhân khác. “Cần câu cơm” của chúng chính là cái ăng-ten phát sáng đu đưa ở trên đầu, thật ra loài này không có khả năng phát sáng, ánh sáng đó là từ hàng triệu vi khuẩn phát sáng – một món ăn của cá vảy chân – bám vào đó để khỏi trôi vào cái miệng khủng khiếp phía dưới.
Những con tôm hoàng đế này thường cưỡi trên những loài động vật có kích thước to hơn chúng gấp nhiều lần, và di chuyển cũng nhanh hơn chúng. Khi "phương tiện di chuyển” khổng lồ này di chuyển dưới đáy biển, “hoàng đế” sẽ đu người xuống phía dưới để nhặt những mẩu thức ăn lẫn trong bùn.
Cá hề có lẽ là loài duy nhất có khả năng kháng lại độc tố của hải quỳ. Chúng có thể tung tăng qua lại giữa những chiếc tua đầy chất độc mà không hề hấn gì. Hải quỳ ăn phần thức ăn còn lại của cá, và để đáp ơn, chúng lại bảo vệ loài cá này khỏi bị ăn thịt bởi loài khác.