Hành tinh sinh đôi của Trái đất đã "chết" vì ngạt thở?

  •  
  • 1.563

Sao Kim và Trái đất được coi là hai hành tinh sinh đôi, trong khi Trái đất tồn tại sự sống thì sao Kim lại biến thành một địa ngục thiêu đốt.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, trạng thái hiện tại của sao Kim có liên quan đến sự kết hợp của các đợt phun trào núi lửa lớn.


 Trước khi trở thành một "địa ngục" như hiện nay, sao Kim là một hành tinh đã có những điều kiện để phát triển sự sống. (Ảnh: Futura Sciences).

Những sự kiện phun trào núi lửa xảy ra trong quá khứ đã đánh dấu lịch sử của Trái đất. Sức mạnh của nó còn hơn cả những va chạm của các tiểu hành tinh, vốn gây ra hàng loạt vụ đại tuyệt chủng.

Một nghiên cứu cho thấy, về tổng thể, những vụ phun trào núi lửa có thể dẫn đến hiệu ứng nhà kính và nhiệt độ tăng lên một cách thảm khốc. Trong khi hành tinh của chúng ta tránh được việc biến thành một "địa ngục thiêu đốt" thì sao Kim lại không may mắn như vậy.

Các lò magma lớn được tìm thấy trên Trái đất là chứng tích của những đợt phun trào núi lửa dữ dội, dẫn đến sự phong hóa của các cao nguyên bazan dày và kéo dài hàng triệu năm.

Các nhà khoa học đã đưa ra giả thiết về những đợt phun trào này là nguyên nhân tạm thời đối với những thay đổi đáng kể về khí hậu và môi trường sống trên Trái đất.

Do đó, việc phát thải một lượng lớn khí nhà kính sẽ làm tăng nhiệt độ và làm thay đổi thành phần hóa học trong các đại dương. Những đổi thay này có thể góp phần lớn vào sự tuyệt chủng hàng loạt mà sự sống trên cạn đã trải qua.


 Cảnh dung nham chồng chất cao hơn hàng trăm mét. Các Bẫy Deccan ở Ấn Độ là nhân chứng cho một giai đoạn phun trào magma lớn trong lịch sử Trái đất (Ảnh: Kppethe, Wikimedia Commons).

Các nhà khoa học cho rằng, nếu một lò magma lớn duy nhất có khả năng làm thay đổi khí hậu, tác động của nó là không đủ để khiến Trái đất không thể phục hồi. Bằng chứng là hành tinh của chúng ta luôn tự chữa lành, mang lại một hệ thống khí hậu ổn định thuận lợi cho sự sống.

Tuy nhiên, theo các tác giả của nghiên cứu, Trái đất cũng đã trải qua những thời kỳ mà những vụ phun trào núi lửa lớn xảy ra đồng thời hoặc ít nhất là gần nhau.

Sao Kim: vòng luẩn quẩn của sự nóng lên toàn cầu cực độ

Đối với các nhà khoa học, sự phun trào đồng thời của một số lò magma lớn sẽ có khả năng hủy diệt một hành tinh, bằng cách tạo ra một vòng luẩn quẩn không thể đảo ngược.

Giả thuyết này có thể giải thích tình trạng hiện tại của sao Kim. Trước khi là địa ngục như ngày nay, sao Kim đã có những điều kiện thuận lợi để phát triển sự sống, đặc biệt là sự xuất hiện của nước trên bề mặt của nó.

Tuy nhiên, việc sản sinh ra lượng lớn khí nhà kính do một số vụ phun trào xảy ra đồng thời đã làm tăng nhiệt độ của hành tinh này dẫn đến sự bốc hơi của các đại dương.

Điều này dẫn đến sự bổ sung hơi nước này vào khí quyển làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính vốn đã bị ảnh hưởng từ núi lửa, đẩy hành tinh vào một chu kỳ địa ngục nóng lên, cho đến khi nước lỏng biến mất hoàn toàn. Các chuyên gia gọi đây là một cái chết từ từ bởi ngạt thở.


Bề mặt của sao Kim được nhìn thấy bởi các tàu thăm dò Venera 13 và Venera 14. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Nga).

Theo các tác giả của nghiên cứu, Trái đất chỉ thoát khỏi số phận thảm khốc này trong gang tấc. Câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu lò magma để làm nhiễu hệ thống khí hậu và biến một hành tinh đá thành địa ngục.

Cập nhật: 04/01/2025 Dân Trí
  • 1.563