Hẹp động mạch cảnh - một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

  •   33
  • 18.165

Tai biến mạch máu não rất thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Có nhiều nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, trong đó hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân khá thường gặp (chiếm khoảng 30% các trường hợp).

Hình ảnh hẹp động mạch cảnh trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ

Hình ảnh hẹp động mạch cảnh trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ (Ảnh: TTO)

Tuy nhiên căn bệnh hẹp động mạch cảnh ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá muộn, mọi phương pháp chữa trị chỉ là hỗ trợ.

Vì sao hẹp động mạch cảnh có thể gây ra tai biến mạch máu não?

Động mạch cảnh có kích thước khá lớn, nằm ở cổ. Gồm có động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải mà ta có thể sờ thấy được nhịp đập của chúng ở hai bên cổ. Động mạch cảnh có chức năng đưa máu từ tim lên nuôi dưỡng não.

Hẹp động mạch cảnh là do các mảng xơ vữa bám lên thành động mạch, tại chỗ động mạch cảnh bị hẹp, các mảng xơ vữa và máu đông có thể gây tắc tại chỗ, hoặc tự vỡ ra tạo thành các mảnh nhỏ trôi theo dòng máu đến lấp một nhánh động mạch nào đó trong não, gây nên hoại tử một vùng não tương ứng do nhánh động mạch đó nuôi dưỡng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân thông thường nhất của hẹp động mạch cảnh là xơ vữa động mạch. Quá trình xơ vữa mạch máu cho đến nay vẫn được hiểu là một quá trình diễn tiến sinh lý theo tuổi và vẫn không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên người ta nhận thấy có những yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự hình thành và phát triển xơ vữa động mạch cảnh, đó là: Tuổi, thường chỉ gặp sau 50 tuổi, càng lớn tuổi thì nguy cơ hẹp động mạch cảnh càng tăng ; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu; hút thuốc lá; bệnh đái tháo đường; ngoài ra béo phì, lối sống ít vận động, nhiều stress, cũng là những yếu tố nguy cơ hẹp động mạch cảnh.

Bệnh nhân càng có nhiều yếu tố nguy cơ chừng nào thì càng có nhiều khả năng bị hẹp động mạch cảnh chừng đó.

Triệu chứng lâm sàng của hẹp động mạch cảnh

Có thể không biểu hiện gì đặc biệt, gọi là hẹp động mạch cảnh không triệu chứng. Bệnh được phát hiện khi khám tổng quát hoặc khám vì một bệnh lý khác (tim mạch, tuyến giáp…).

Hẹp động mạch cảnh có triệu chứng, đó là biểu hiện của thiếu máu não thoáng qua hay nặng hơn là tai biến mạch máu não, với các triệu chứng như sau: Yếu hoặc liệt chân tay; mờ hoặc mù một mắt, thường thoáng qua (vài giây, vài phút, vài giờ) sau đó thấy lại bình thường; rối loạn giọng nói như khó nói hoặc không nói được. Các triệu chứng này thường xảy ra đột ngột.

Có bệnh nhân chỉ bị một triệu chứng, ngược lại có bệnh nhân bị nhiều triệu chứng cùng lúc. Nếu tự phục hồi hoàn toàn trước 24 giờ, gọi là thiếu máu não thoáng qua; còn nếu tồn tại hơn 24 giờ và thường là nhiều tháng, nhiều năm gọi là tai biến mạch máu não thực sự.

Khám lâm sàng bằng cách nghe ở cổ bệnh nhân bằng ống nghe, sau đó có thể làm siêu âm Doppler động mạch cảnh khi có nghi ngờ. Siêu âm Doppler động mạch cảnh rất có giá trị để xác định có hẹp hay không, hẹp bao nhiêu phần trăm…

Nói chung nếu hẹp động mạch cảnh > 50% thì cần phẫu thuật mạch máu, tùy vào từng trường hợp bác sĩ phẫu thuật sẽ đề nghị chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ động mạch cảnh. Một số hình ảnh khác như chụp CT- scanner hay chụp cộng hưởng từ sọ não cũng được thực hiện nếu cần

Các phương pháp điều trị hẹp động mạch cảnh

- Điều trị thuốc: Không có thuốc làm giảm tình trạng hẹp động mạch cảnh, mà chỉ có thuốc phòng ngừa sự hình thành cục máu tại vị trị hẹp động mạch cảnh với mục đích đề phòng tai biến mạch máu não trên bệnh nhân mắc chứng hẹp động mạch cảnh. Thông dụng nhất là Aspirin.

- Điều trị phẫu thuật: Mục tiêu của phẫu thuật là lấy bỏ mảng xơ vữa nhằm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Phẫu thuật chỉ đặt ra khi có hẹp nặng, cụ thể:

- Đối với hẹp động mạch cảnh không triệu chứng, nói chung phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp hẹp > 80%.

- Đối với hẹp động mạch cảnh có triệu chứng, phẫu thuật được chỉ định khi có hẹp > 70% hoặc hẹp nhẹ hơn (60 %) nhưng có loét trên mảng xơ vữa.

- Nong động mạch cảnh: Được bắt đầu áp dụng từ những năm 1990, mức độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này so với phẫu thuật kinh điển còn đang chứng minh, nói chung phương pháp này chưa phổ biến.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh hẹp động mạch cảnh phải cố gắng giảm và loại bỏ các yếu tố nguy cơ nếu có, đó là: Điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bỏ thuốc lá, tránh béo phì. Đồng thời cũng nên sống gần gũi thiên nhiên, vận động nhiều, tập thể dục đều đặn…

Đối với những người đã bị hẹp động mạch cảnh thì những biện pháp này giúp cho bệnh nhân không nặng thêm, còn đối với người chưa mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, TTO
  • 33
  • 18.165