Hóa thạch 220 triệu năm tiết lộ loài thú răng chó mới

  •  
  • 259

Các nhà cổ sinh vật học phát hiện một loài thú răng chó có hình dạng giống chuột chưa được biết tới sống trong kỷ Tam Điệp.

Khám phá về loài thú tiền sử mới, có tên khoa học là Kataigidodon venetus, được công bố hôm 3/11 trên tạp chí Biology Letters bởi tác giả chính Ben Kligman, nghiên cứu sinh từ Khoa Khoa học Địa chất tại Đại học Bách khoa Virginia (Virginia Tech) của Mỹ.

Các mảnh xương hóa thạch 220 triệu năm tuổi của sinh vật được tìm thấy tại Công viên Quốc gia Petrified Forest ở bang Arizona vào năm ngoái nhưng gần đây mới được phân tích chi tiết.

Việc phát hiện hóa thạch của các loài thú răng chó (cynodont) có niên đại từ kỷ Tam Điệp là vô cùng hiếm. Mẫu vật Kataigidodon ở Arizona mới là hóa thạch thứ hai của phân bộ động vật này được khai quật ở Bắc Mỹ. Trước đó, chỉ có một mẫu vật họ hàng, có tên khoa học là Adelobasileus cromptoni, được tìm thấy ở Texas vào năm 1990.

Mô phỏng một con Kataigidodon venetus đang săn côn trùng.
Mô phỏng một con Kataigidodon venetus đang săn côn trùng. (Ảnh: Virginia Tech).

"Khám phá này bổ sung bằng chứng cho thấy khí ẩm ướt đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa ban đầu của động vật có vú và họ hàng gần nhất của chúng. Kataigidodon đã sống cùng với khủng long và có thể là con mồi của những loài khủng long đầu tiên và động vật ăn thịt khác như Crocodylomorpha - động vật bốn chân thuộc nhóm thằn lằn chúa", Kligman cho biết.

Khu vực sinh sống của Kataigidodon, ngày nay là Arizona và Texas, 220 triệu năm trước nằm gần đường xích đạo, cách không xa trung tâm của siêu lục địa Pangea.

Dựa trên các mảnh xương hàm, răng cửa, răng nanh và răng sau răng nanh, Kligman cùng các cộng sự ước tính Kataigidodon chỉ dài khoảng 9 cm (chưa tính đuôi) và là động vật ăn côn trùng.

"Nó có thể trông giống một con chuột nhắt", Kligman mô tả. "Chúng tôi chưa xác định được sinh vật này có lông hay không. Đến nay vẫn chưa có hóa thạch thú răng chó nào trong kỷ Tam Điệp được tìm thấy trong môi trường địa chất có khả năng bảo tồn lông. Tuy nhiên, những con thú răng chó sống trong kỷ Jura sau đó đều có lông, nên chúng tôi cho rằng tổ tiên của chúng trong kỷ Tam Điệp cũng có lông".

Nhóm nghiên cứu có bằng chứng cho thấy còn nhiều loài cynodont khác xuất hiện ở cùng địa điểm với Kataigidodonhy và hy vọng có thể tìm thấy những hóa thạch hoàn thiện hơn trong tương lai.

Cập nhật: 05/11/2020 Theo VnExpress
  • 259