Dựa trên dữ liệu từ kính viễn vọng Kepler và nhiệm vụ Gaia, một nhóm nhà khoa học ước tính dải Ngân Hà có hàng trăm triệu hành tinh phù hợp cho sự sống.
Kepler-186f là một trong những ngoại hành tinh nằm trong vùng ở được quanh sao chủ. (Ảnh: NASA).
Được viết vào năm 1961 bởi tiến sĩ Dr. Frank Drake, phương trình Drake là công thức nổi tiếng nhất trong tìm kiếm nền văn minh ngoài hành tinh có thể liên lạc với Trái đất bằng tín hiệu vô tuyến. Việc tính toán dựa trên một số yếu tố, bao gồm tốc độ hình thành sao, tỷ lệ sao có hành tinh, số hành tinh ở được quanh ngôi sao, số hành tinh có thể phát triển sự sống, số lượng sự sống thông minh, số lượng nền văn minh công nghệ cao và tuổi thọ của nền văn minh đó. Vấn đề là không có yếu tố nào nêu trên là chắc chắn. Một số chỉ là là ước tính thô và số khác thuần túy là suy đoán. Kết quả là phương trình Drake chỉ ra có từ 1 đến 100 triệu nền văn minh trong thiên hà của chúng ta, một ước tính quá rộng và không hữu ích.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng săn ngoại hành tinh Kepler để tạo ra ước tính đáng tin cậy hơn của một yếu tố trong phương trình là số lượng hành tinh có thể ở được trong dải Ngân Hà. Để trả lời câu hỏi này, nghiên cứu xem xét những ngoại hành tinh có kích thước tương tự Trái đất, quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời có cùng độ tuổi và nhiệt độ, và nằm trong vùng ở được quanh ngôi sao, nơi nước lỏng có thể tồn tại.
Cách tiếp cận này tương tự các nghiên cứu trước đây, nhưng theo Viện SETI, nghiên cứu mới định nghĩa vùng ở được không chỉ dựa trên khoảng cách từ ngôi sao mà cả lượng ánh sáng mà hành tinh nhận được. Các nhà nghiên cứu sàng lọc bằng cách kết hợp dữ liệu của Kepler và nhiệm vụ Gaia chuyên đo năng lượng do ngôi sao chủ phát ra. Họ ước tính có thể có tới 300 triệu hành tinh ở được trong dải Ngân Hà, một số chỉ cách Trái đất 30 năm ánh sáng. Nhưng con số có thể thu hẹp hoặc mở rộng khi giới nghiên cứu hiểu rõ hơn khí quyển của một hành tinh tác động thế nào tới khả năng hình thành nước lỏng.