Hóa thạch bò sát biển thời tiền sử

  •  
  • 268

Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Fairbanks tại Đại học Alaska (Mỹ) vừa công bố về việc phát hiện hóa thạch hoàn hảo nhất của một loài bò sát biển mà trước đây chưa có tiêu bản nào đạt được.

Đó là bộ xương hóa thạch của một cá thể thalattosaur, loài sinh vật biển đuôi dài hoạt động ở những vùng biển nông, ấm áp trong thời kỳ đầu phát triển của loài khủng long. Chúng đã tuyệt chủng vào cuối kỷ Triat cách đây chừng 200 triệu năm. Hóa thạch được các nhà khoa học phát hiện ở vùng thủy triều thấp dọc theo bờ biển thuộc khu sinh thái quốc gia Tongass, Bắc Mỹ.

Theo tiến sĩ Jim Baichtal, thành viên của nhóm khảo sát thì trước đây chỉ tìm thấy những chiếc xương hóa thạch đơn lẻ của loài thalattosaur, thậm chí là những mảnh xương vỡ chứ không phải là một bộ xương hóa thạch gần hoàn chỉnh như mẫu vật này. Nó được tìm thấy hồi tháng 6 năm nay và đang được các nhà khoa học tiếp tục xem xét liệu có đại diện cho một loài mới hay không.

Hóa thạch của loài thalattosaur
Hóa thạch của loài thalattosaur

Theo báo Daily Mail, trên thế giới chỉ có chừng một chục mẫu vật khá đầy đủ của thalattosaur tìm thấy tại British Columbia (Canada), Nevada (Mỹ), dãy Alps, Trung Quốc. Riêng mẫu vật mới được phát hiện ở gần ngôi làng Tlingit Kake phía đông nam Alaska, nơi này là hòn đảo núi lửa ấm áp với các rạn san hô xung quanh tương tự như Hawaii. Các nhà khoa học đang làm vệ sinh cho hóa thạch này bằng cách tách các mảnh đá dính vào nó, bên cạnh đó việc khai quật vẫn đang được tiến hành với hy vọng tìm được hộp sọ.

Tiến sĩ Druckenmiller, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết loài thalattosaur chỉ phát triển và tồn tại trong vòng 30 triệu năm, khoảng thời gian được coi là khá ngắn so với lịch sử địa chất. Hiện nay nhóm nghiên cứu đang cố gắng tạo dựng lại mô hình thật của loài thalattosaur qua bộ xương hóa thạch này.

Theo Thanh Niên
  • 268