Các nhà cổ sinh vật học phát hiện một loài chim tiền sử có chiếc mỏ độc nhất vô nhị sống trong kỷ Phấn Trắng.
Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature hôm 25/11, sinh vật mới tên Falcatakely forsterae có vẻ ngoài khá giống chim Toucan ngày nay nhưng sở hữu cấu trúc mỏ và hộp sọ không giống bất kỳ loài chim nào từng được biết đến trong Đại Trung Sinh.
Hộp sọ dài 9cm của nó vẫn còn nằm bên trong đá. Do tính chất mỏng manh và dễ vỡ, các nhà khoa học không muốn mạo hiểm phục hồi hóa thạch mà thay vào đó, họ sử dụng phương pháp quét phức tạp để tái tạo hộp sọ dưới dạng kỹ thuật số.
Phân tích cho thấy Falcatakely có một chiếc mỏ dài, cong và có thể chứa một số ít răng hình nón giống như răng thỏ ở phần phía trước của hàm trên. Tuy nhiên, mẫu vật 68 triệu năm tuổi được tìm thấy ở Madagascar chỉ còn lưu giữ một chiếc răng duy nhất.
Mô phỏng chim tiền sử Falcatakely forsterae sống cùng thời khủng long. (Ảnh: Reuters).
"Mặc dù có hình dạng khuôn mặt tổng thể tương tự các loài chim hiện đại, cấu trúc hộp sọ của Falcatakely lại liên quan nhiều hơn tới những loài khủng long giống chim như Deinonychus và Velociraptor", trưởng nhóm nghiên cứu Patrick O'Connor, Giáo sư giải phẫu và khoa học thần kinh tại Đại học Ohio của Mỹ, cho biết.
Falcatakely forsterae được cho là đã tiến hóa trực tiếp từ các loài khủng long có lông vũ nhỏ cách đây khoảng 150 triệu năm nhưng không thể sống sót sau vụ va chạm thiên thạch dẫn đến sự kiện đại tuyệt chủng kết thúc kỷ Phấn Trắng xảy ra vào 66 triệu năm trước.
Hóa thạch chim thuộc thời kỳ này đặc biệt hiếm vì cấu trúc xương rỗng và mỏng manh của chúng rất khó được bảo quản tốt. "Có một khoảng thời gian kéo dài hơn 50 triệu năm mà chúng ta vẫn chưa biết nhiều về lịch sử tiến hóa của các loài chim", đồng tác giả của nghiên cứu Daniel Field nhấn mạnh.
Nghiên cứu mới bởi vậy có nghĩa rất quan trọng. Việc phát hiện thêm loài mới với những đặc điểm độc nhất vô nhị cung cấp bằng chứng cho thấy sự đa dạng của các loài chim trong thời khủng long.