Hồi sinh rêu cổ sau giấc ngủ 1.500 năm

  •   52
  • 1.791

Các nhà khoa học đã hồi sinh thành công đám rêu cổ bị chôn vùi trong băng đá ở Nam cực suốt hơn 1.500 năm qua. Khám phá lần đầu tiên cho thấy, thực vật có khả năng sống sót qua các kỷ băng hà kéo dài hàng thiên niên kỷ.

Trước đây, giới khoa học đã biết, rêu có thể tồn tại trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt tới 20 năm và là một thành phần quan trọng trong hệ sinh thái của cả Bắc cực và Nam cực.

Trong nghiên cứu chung của Đại học Reading và Cơ quan khảo sát Nam cực của Anh (BAS), các nhà khoa học đã cắt các lõi rêu trích lấy từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Nam cực và xịt tưới chúng bằng nước chưng cất. Nhóm nghiên cứu cũng đặt các lõi rêu trong những điều kiện nhiệt độ và ánh sáng được theo dõi chặt chẽ.

Hồi sinh rêu cổ sau giấc ngủ 1.500 năm
Sau khi được tưới nước và đặt trong điều kiện ánh sáng và độ ẩm thích hợp, đám rêu cổ 1.500 năm tuổi đã "hồi sinh" và phát triển bình thường. (Ảnh: AP)

Sau một vài tuần, rêu bắt đầu phát triển xanh tốt. Kết quả xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy, đám thực vật này ít nhất đã 1.530 năm tuổi.

Giáo sư Peter Convey, một thành viên nhóm nghiên cứu thuộc BAS, tuyên bố: "Vai trò của rêu trong hệ sinh thái còn quan trọng hơn những gì chúng ta thường nhận ra khi quan sát rêu mọc trên tường. Do đó, hiểu được những thứ kiểm soát sự sinh trưởng và phân phối của chúng, đặc biệt ở khu vực đang thay đổi nhanh của thế giới, như vùng bán đảo Nam cực, sẽ có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều".

Theo giáo sư Convey, việc hồi sinh giống rêu cổ thành công hé lộ, các sinh vật đa bào, trong trường hợp này là thực vật, có thể sống sót qua những khoảng thời gian dài hơn suy đoán của chúng ta trước đây.

Nhà nghiên cứu này nhận định, là một thành phần then chốt của hệ sinh thái, rêu có thể chống chọi với sự thống trị của băng đá hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Nếu có thể "ngủ đông" trong băng đá, sau đó tái sinh sôi phát triển khi kỷ băng hà kết thúc (băng đá tan chảy và thu hẹp diện tích), loài rêu đã có một cách sinh tồn dễ dàng hơn nhiều việc chuyển cư xuyên đại dương tới các vùng ấm áp hơn.

Khả năng sinh tồn bền bỉ của rêu cũng góp phần duy trì sự đa dạng hóa trong khu vực. Nó làm giới nghiên cứu dấy lên hy vọng tìm thấy các dạng sống phức tạp, sống sót được lâu hơn nữa khi bị chôn vùi trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu hoặc băng đá.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 52
  • 1.791