Theo tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), mỗi năm có hơn 6,4 triệu tấn rác thải bị tống xuống biển, trong đó từ 60 đến 80% là chất dẻo, và 70% số rác này bị chìm xuống đáy biển.
Tổ chức này cho biết con người đang "bóp nghẹt" biển cả với các loại rác thải bằng chất dẻo, và mặc dù nhiều nước dành chi phí để làm sạch bãi biển, rác thải vẫn liên tục bị đổ ra biển.
Theo số liệu của chương trình Môi trường LHQ, năm 2005, trên mỗi km vuông đáy biển có tới 13.000 mảnh túi nhựa. Khoảng 80% rác thải dưới đáy biển có nguồn gốc từ đất liền.
Báo cáo cho biết các túi đựng thức ăn, đồ uống, bao thuốc lá, đồ hộp, lưới đánh cá là những loại rác phổ biến nhất dưới đáy biển, gây nguy hại cho đời sống sinh vật biển khi chúng nuốt phải.
Ngoài ra, rác thải nhựa còn là nơi ký sinh của các sinh vật lạ. Khoảng 267 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng bởi các loại rác này, trong đó một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chỉ qua khảo sát tại vùng biển Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha, người ta nhận thấy 75% số cá thể rùa biển được nghiên cứu nuốt phải rác chất dẻo, có thể làm tắc đường tiêu hóa của chúng và làm chúng chết.