Xa xôi cách trở là vậy, hòn đảo này còn chứa đựng một bí mật kỳ quái mà đến nay vẫn là đề tài tranh cãi của giới khoa học và cả cư dân mạng.
Ở nơi xa xôi giữa Đại Tây Dương, gần Nam Cực, có một hòn đảo núi lửa không bóng người sinh sống. Đây có lẽ là hòn đảo xa xôi hẻo lánh và cô lập nhất trên Trái đất. Đến nỗi mà trong vòng khoảng cách hơn 8,1 triệu km2, không có vùng đất nào và tất nhiên cũng không có nổi bóng người. Người ta gọi nó là đảo Bouvet.
Theo Unilad, đảo Bouvet nằm giữa vùng biển giữa đất nước Argentina, Nam Phi và vùng Nam Cực. Hòn đảo đã được Na Uy tuyên bố chủ quyền. Quốc gia này coi nó khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ, không có người ở và vẫn còn hoang vắng, gần như bị bao phủ hoàn toàn trong băng tuyết. Vậy nên nó không thể là điểm đến du lịch, kể cả những người ưa mạo hiểm.
Bouvet được phát hiện lần đầu tiên bởi vị tướng chỉ huy quân đội Pháp tên Jean-Baptiste Charles Bouvet de Lozier vào năm 1739. Tên của hòn đảo cũng được đặt theo tên của vị tướng này.
Đảo Bouvet là hòn đảo xa xôi nhất trên Trái đất.
Tuy nhiên, ông Bouvet đã không định vị chính xác vị trí của đảo, mà bị chệch 8 độ về phía Đông. Ông được cho là đã không đi hết một vòng hòn đảo nên không biết đó là đảo hay một phần của lục địa.
Năm 1772, thuyền trưởng James Cook xuất phát từ Nam Phi để đi tìm hòn đảo theo tọa độ mà ông Bouvet đánh dấu, tức tọa độ 54°S, 11°E. Ông không tìm thấy gì và cho rằng Bouvet đã nhìn nhầm một đỉnh băng thành hòn đảo nên từ bỏ cuộc tìm kiếm.
Mãi cho đến năm 1808, thợ săn cá voi người Anh James Lindsay mới lại tìm thấy. Ông mới là người đầu tiên đánh dấu chính xác vị trí hòn đảo.
Khu dân cư gần nhất với Bouvet là đảo Tristan da Cunha. Nhưng ở nơi này cư dân cũng cực thưa thớt, chỉ 271 người. Trong khi đó, khoảng cách từ Bouvet tới Tristan da Cunha lên đến hơn 2200km. Chính vì vậy mà người ta còn gọi Bouvet với cái tên "hòn đảo cô đơn" nhất thế giới.
Sau khi Bouvet chính thức có trên bản đồ, một chuyến đi khác đã được thực hiện vào năm 1964 bởi nhà nghiên cứu Allan Crawford và một nhóm các nhà khoa học. Cả nhóm lên đường trên con tàu băng Nam Cực HMS Protector của Hải quân Hoàng gia Anh để điều tra hòn đảo núi lửa sau vụ phun trào dung nham xảy ra 10 năm trước.
Họ sử dụng một chiếc trực thăng để di chuyển từ con tàu lên đất liền trên đảo, nhưng bất ngờ, nhà nghiên cứu Allan Crawford phát hiện ra một chiếc xuồng cứu sinh đang nằm chơ vơ trong một đầm phá.
Chiếc xuồng cứu sinh đang nằm chơ vơ trong một đầm phá.
Không rõ chiếc xuồng đã ở đó bao lâu và cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy nó đến từ đâu hoặc ai là người sở hữu. Không có động cơ, buồm cũng không. Tuy nhiên, Crawford còn tìm thấy mái chèo trên bờ biển cùng với một chiếc thùng bằng đồng và một cái thùng gỗ khác.
Kết quả kiểm tra hòn đảo không tìm thấy dấu vết của sự sống con người, mặc dù vị trí của chiếc xuồng cho thấy rằng bất kỳ ai ngồi trên đó đều có thể dễ dàng lên đảo Bouvet.
Vài năm sau đó, bí ẩn càng thêm kỳ lạ hơn khi một chuyến thám hiểm khác đến hòn đảo và chiếc xuồng đã... biến mất không thể lại dấu vết. Giả sử có ai đó đã di chuyển nó đi nơi khác thì việc trục vớt để đưa đi không dễ. Cũng có thể nó bị chìm nhưng chẳng ai dám chắc chắn nếu không biết độ sâu của đầm phá ấy.
Nhiều thập kỷ trôi qua, sự hiện diện của chiếc xuồng ở hòn đảo không bóng người ấy vẫn còn là một bí ẩn. Không có con tàu mất tích nào được báo cáo có thể giúp giải thích về chiếc xuồng cứu sinh.
Sự hiện diện của chiếc xuồng ở hòn đảo không bóng người ấy vẫn còn là một bí ẩn.
Thực tế, điều kiện tự nhiên trên đảo Bouvet rất khắc nghiệt. Khắp nơi chỉ toàn băng tuyết bao phủ và có cả núi lửa hoạt động.
Chỉ có rêu và địa y là 2 loài thực vật chính. Trong khi đó, hải cẩu, hải âu và chim cánh cụt là những cư dân duy nhất trên đảo, hoàn toàn không có bóng người.
Không dễ dàng tiếp cận Bouvet khi xung quanh nó là những tảng băng khổng lồ vây quanh. Để tới đây dễ dàng nhất, người ta chỉ có thể dùng máy bay trực thăng.
Địa hình hiểm trở, vị trí xa xôi cộng thêm cả điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, nơi này hiếm khi đón khách tới tham quan, mà chỉ sử dụng với mục đích nghiên cứu.
Vậy nên càng khó để người ta tìm ra câu trả lời cho sự xuất hiện và biến mất của chiếc xuồng. Tuy nhiên, một người dùng Reddit đã quyết tâm tìm hiểu tận cùng sự việc. Người này đưa ra một lời giải thích khả dĩ.
Trong một bài đăng được chia sẻ trực tuyến, người dùng Reddit này cho biết mình đã tham khảo tài liệu và thông tin ở trang 129 của cuốn sách thuộc Viện Hải dương học và thu thập được thông tin rằng một tàu trinh sát khoa học có tên Slava-9 đã bắt đầu hành trình với hạm đội săn cá voi "Slava" ở Nam Cực vào ngày 22 tháng 10 năm 1958, chỉ vài năm sau đó, Crawford phát hiện ra chiếc xuồng.
Một nhóm thủy thủ được cho là đã đổ bộ lên đảo Bouvet, nhưng bị mắc kẹt ở đó do điều kiện thời tiết xấu đi.
Cuốn sách mô tả cách mọi người ở lại đảo khoảng 3 ngày trước khi được trực thăng, giải cứu. Đó có thể là lý do tại sao một chiếc thuyền bị bỏ lại.
Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc liệu đây có phải là lý do thực sự khiến con thuyền xuất hiện trên đảo hay không. Càng khó có thể biết được cách nó biến mất. Đây có lẽ là câu hỏi sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức của các nhà khoa học.