Huyền thoại về người sói

  •   4,18
  • 22.058

Những câu chuyện về người sói xuất hiện khắp các nền văn hóa, phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa người với sói qua nhiều thế hệ.

Nữ tác giả người Mỹ Linda Godfrey là một trong những người tin vào truyền thuyết người sói, hay phiên bản ghê rợn hơn là ma sói. Trong cuốn Những người sói thực sự: Những lần chạm trán tại Mỹ thời hiện đại dài 300 trang, bà đưa ra hàng chục câu chuyện kể về các lần nhân chứng thấy tận mắt những con thú lông lá chạy bằng 2 chân. Giới khoa học chẳng bị thuyết phục với các câu chuyện này, nhưng họ thừa nhận con người đã được cài đặt sẵn trong tiềm thức là phải luôn cảnh giác với những con sói quanh quẩn trong bóng đêm.

“Ý tưởng về người sói thuần túy chỉ là sản phẩm từ sự tưởng tượng của chúng ta, nhưng nó được hình thành từ nền văn hóa hàng ngàn năm sợ hãi trước loài sói”, theo chuyên gia Rolf Peterson của Viện Công nghệ Michigan, người đã nghiên cứu về loài vật hoang dã này trong mấy thập niên qua tại công viên quốc gia đảo hoàng gia ở Hồ Lớn tại bang Michigan. Ông Peterson bác bỏ khả năng có ma sói, nhưng dù vậy cũng không khiến những người như bà Godfrey chùn bước. “Tôi nhận được hàng trăm báo cáo trong những năm qua… và có lẽ một số ít trường hợp đã thấy được sinh vật huyền bí trên”, nữ tác giả phát biểu trên Đài NBC News.

Ma sói tồn tại trong nhiều nền văn hóa trên thế giới
Ma sói tồn tại trong nhiều nền văn hóa trên thế giới

Godfrey kể lại mình đã sốc như thế nào khi mới tập tễnh vào nghề báo hồi năm 1991, bà đã viết về vụ các nhân chứng bị một con thú giống sói, cao cỡ 1,8m và chạy trên 2 chân truy đuổi tại Elkhorn, bang Wiscosin. Con vật này được gọi là “quái thú trên đường Bray”. Dù không giải thích được trên cơ sở khoa học, Godfrey vẫn cho rằng có sự tồn tại của một loài sinh vật như người sói. Tất nhiên cũng có các trường hợp chơi khăm, và vụ đình đám nhất là đoạn phim Gable, trong đó quay cảnh một bóng đen tấn công người cầm camera. Sau đó, người ta mới phát hiện thủ phạm là hai gã đàn ông chơi trò đóng giả theo truyền thuyết “cẩu nhân Michigan”.

Godfrey cũng thừa nhận một số báo cáo về người sói cuối cùng lại là sự tưởng tượng của những người thần hồn nát thần tính khi nhìn thấy sói hoặc gấu đang đứng trên 2 chân sau. Hoặc các bóng đen râu tóc thậm thượt là một kẻ nào đó chán cảnh phồn hoa đô hội và lẩn vào nơi rừng sâu. Tuy nhiên, bà vẫn nhất quyết rằng có người sói thật ở đâu đó, nhưng không phải dạng người hóa sói như trong loạt phim ăn khách về ma cà rồng Twilight, hay người bị đột biến gien khiến thân họ phủ lông dày như sói.

Chuyên gia Peterson là một trong những nhà khoa học mà bà Godfrey đã liên lạc trong quá trình săn tìm người sói. Dù chẳng thấy có lý do gì phải tin vào những câu chuyện của nữ tác giả này, Peterson cho biết có vài nguyên nhân đã giúp truyền thuyết người sói đâm chồi mọc rễ. “Nền tảng của nỗi sợ sói ở người không phải là chẳng có chứng cứ. Sói là loài gây nhiều khó khăn cho con người nhất”, Peterson nói. Chẳng hạn, bệnh dại xảy ra phổ biến ở châu Âu trong thời cực thịnh của trường thiên về người sói, bắt đầu từ thế kỷ 16. Con người hoảng sợ khi chứng kiến một nạn nhân bị sói hoặc chó cắn lên cơn dại, tạo thêm cơ sở cho truyền thuyết người hóa sói. Hoặc thời xưa, sói thường tấn công trẻ chăn cừu…

Bên cạnh đó, vẫn còn một mặt khác trong mối quan hệ giữa người với sói. Hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã thuần hóa sói thành bạn thân nhất của loài người. Với sự phức tạp trong quan hệ đan xen yêu - ghét giữa người - sói như vậy, không ngạc nhiên khi các nền văn hóa trên thế giới đều lưu truyền các huyền thoại về ma sói, theo chuyên gia Peterson.

Theo Thanh Niên
  • 4,18
  • 22.058