ICD thiết bị cứu sống hàng triệu người bệnh tim

  •  
  • 1.830

Ngày 21.6 vừa qua, tại BV Thống Nhất TP.HCM đã diễn ra ca ghép máy ICD (Implantable Cardioverter Defibrillator - Máy phá rung tim cấy trên người) cho em Đặng Thành Vĩnh San, 9 tuổi, bị loạn nhịp tim

Đây là một trong những trường hợp nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay được ghép ICD, nhờ vậy em có thể sống bình thường như mọi người, không còn ám ảnh vì những cơn ngất xỉu mỗi khi loạn nhịp tim hoặc nỗi sợ đột tử vì căn bệnh quái ác này. Năm 1969, Michel Mirowski, bác sĩ tim mạch ở BV Sinai Baltimore (Hoa Kỳ) cùng các đồng nghiệp, đã bắt đầu tìm kiếm một chiếc máy có thể ghép trên người với chức năng "phá" những cơn loạn nhịp tim, mang lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân.

Từ cái chết của người thân yêu

Ê kíp phẫu thuật với BS Minh (bên phải) và BS Phương đang thao tác đưa thiết bị trợ tim vào bên trong lồng ngực cháu bé

Chào đời tại Ba Lan vào năm 1924, sau chiến tranh thế giới thứ hai, chán nản trước cảnh nước nhà tan nát vì bom đạn, chàng thanh niên 21 tuổi Mirowski tìm đến Palestine để học tiếp y khoa. Ở đây không có trường nào dạy ngành này, nên anh quay lại châu Âu, đến Pháp học và tốt nghiệp y khoa vào năm 1954. Ra trường, Mirowski đến Israel làm việc tại BV Tel Hashomer, nơi đây ông trở thành trợ lý số 1 cho GS Harry Heller, người sau này tạo cảm hứng cho ông làm ra ICD.

Do tay nghề ngày càng vững vàng nên Mirowski được mời về làm việc tại BV Asaf Harofeh, cách Tel Aviv 15 dặm, trong vai trò bác sĩ tim mạch học. Năm 1966, GS Heller bị những cơn nhịp nhanh thất (một chứng loạn nhịp tim nguy hiểm) hành hạ và qua đời sau đó trong khi ăn tối với gia đình. Chứng kiến cái chết của người thầy và người bạn, Mirowski đặt vấn đề phòng ngừa những cái chết đột ngột bằng cách cấy trên người một chiếc máy có thể phá được những cơn loạn nhịp tim.

Thật ra thời đó y học đã có thể giải quyết chuyện này bằng máy sốc điện bên ngoài. Nhưng bất tiện của máy là nặng nề, cồng kềnh, chỉ giải quyết cho những bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Đối với những bệnh nhân lên cơn loạn nhịp ở xa bệnh viện, tử vong gần như nắm chắc. Tại sao không thu nhỏ máy bằng kích thước một bao thuốc lá và cấy nó trên người bệnh nhân để có thể giải quyết cơn loạn nhịp tim bất kỳ lúc nào? - Mirowski tự hỏi. Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến của những chuyên gia tim mạch khác, ai cũng nói đây là điều... không tưởng! Không nản lòng, Mirowski tìm đến Mỹ vì biết chỉ ở đây ông mới có điều kiện về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện ước mơ. Ông được nhận vào làm việc tại BV Sinai Baltimore và nhanh chóng trở thành trưởng khoa điều trị mạch vành. Trong vòng 12 năm, từ năm 1969, Mirowski và đồng nghiệp kiên trì nghiên cứu ICD. Năm 1980 ICD ra đời, và vào ngày 4.2.1980, người ta tiến hành cấy ghép ICD cho trường hợp đầu tiên trên thế giới. Năm 1985, Cục Quản lý thực phẩm - thuốc men Hoa Kỳ (US-FDA) cho phép lưu hành ICD, máy chỉ định cho những bệnh nhân từng bị 2 lần ngưng tim.

Cứu tinh của bệnh nhân loạn nhịp tim

Cơ chế hoạt động của ICD không quá phức tạp. Cài đặt trên ngực trái bệnh nhân, đặt dưới da hoặc dưới cơ, các điện cực của máy được nối vào tim để ghi nhận những bất thường. Mỗi khi tim đập quá nhanh, không đều đặn, máy sẽ phát ra một luồng điện vài chục joule trong 15 - 20 giây để đưa nhịp tim trở lại bình thường. Hay hơn nữa, khi nhịp tim quá chậm do dùng thuốc trợ tim, máy cũng có thể "kích" tim đập nhanh hơn.

Máy trợ tim đã nằm gọn trong lồng ngực cháu bé.

Thành công của máy ICD đã xua tan nhiều nghi ngờ trước đó. Ngay cả Bernard Lown, cha đẻ của máy sốc điện phá rung tim thao tác bên ngoài cũng từng phát biểu: "Đối với những bệnh nhân bị loạn nhịp tim nặng, cách tốt nhất là theo đuổi một chương trình dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều chỉnh những bất thường trong tim. Ghép ICD không phải là giải pháp hữu hiệu". Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh tính ưu việt của ICD so với các loại thuốc chống loạn nhịp tim trong phòng ngừa đột tử vì loạn nhịp tim ác tính.

Năm 1999, nghiên cứu trên 1.016 bệnh nhân, các nhà khoa học Mỹ nhận thấy trong nhóm uống thuốc chống loạn nhịp, số đột tử vì bệnh là 122 người, cao hơn so với nhóm đặt máy ICD, chỉ là 80 người. Tương tự, một nghiên cứu công bố trong năm 2005 cho thấy số bệnh nhân chết sau khi đặt ICD giảm 23% so với nhóm bệnh nhân chỉ dùng giả dược.

Hơn 20 năm sau ngày ra đời, ICD ngày càng được cải tiến. Thoạt đầu để ghép được máy, người ta phải mở ngực và đặt các thiết bị hỗ trợ trong bụng bệnh nhân. Ngày nay việc ghép máy ngày càng được cải thiện, ít xâm lấn, không cần mở ngực. Đối với bệnh nhân trẻ con, bác sĩ cần phải gây mê, nhưng đối với bệnh nhân lớn, chỉ cần gây tê, trong khi ghép máy bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và có thể trò chuyện với bác sĩ.

Trước đây, máy đặt trong một chiếc hộp, chỉ phát ra năng lượng cao khi nhịp tim bệnh nhân vượt ngưỡng, ngày nay thì máy được lập trình phát ra vừa năng lượng thấp lẫn năng lượng cao để giải quyết nhiều ổ loạn nhịp trong tim. Máy thế hệ mới cũng có thể ghi nhớ tất cả những cơn loạn nhịp, số lần sốc điện hiệu quả với cường độ năng lượng, số lần sốc điện thất bại, qua đó cho phép bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của bệnh nhân, cài đặt năng lượng sốc điện cho phù hợp. Từ một chiếc máy nặng nề, cồng kềnh ban đầu, ngày nay ICD chỉ còn nặng trên dưới 70 gram và dày 12,9 mm. Tuổi thọ của pin cũng tăng lên, kéo dài hơn 6 năm so với 2 năm ở thế hệ máy đầu tiên.

Hơn 20 năm qua, nhờ có ICD mà hàng triệu bệnh nhân loạn nhịp tim đã thoát khỏi những cơn đột tử, sống bình thường như mọi người. Được biết, bản thân Phó Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, Richard Bruce "Dick" Cheney, cũng đang mang một chiếc ICD trên người. Là người nghiện thuốc lá rất nặng, mắc bệnh tim mạch và được chữa trị nhiều lần bằng cách phẫu thuật tim bắc cầu mạch máu, đặt stent, vào năm 2004, Cheney được ghép thêm ICD. Vào tháng 3 năm nay, Cheney còn phải nhập viện điều trị chứng thuyên tắc tĩnh mạch sâu.

Phan Sơn - Ảnh: Lê Quang Nhật 

Ca ghép ICD cho Vĩnh San thành công

BS Tôn Thất Minh, phẫu thuật chính đặt máy trợ tim vào ngực cháu bé cười hài lòng sau ca mổ thành công.

Ngày 29.6, TS-BS Tôn Thất Minh, phó giám đốc Trung tâm tim mạch BV Thống Nhất TP.HCM, cho biết ca ghép ICD cho em Vĩnh San, ngụ tại Q.Bình Thạnh đã thành công. Em đã được cắt chỉ vết mổ (một đường rạch nhỏ trên da ngực để đưa máy vào người). Vĩnh San có một người anh song sinh mắc bệnh như mình, nhưng đã tử vong trong một lần tim loạn nhịp vào năm 2005. Bố mẹ em đều là giáo viên cấp 1, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chi phí mua máy lên đến 38.000 USD (hơn 600 triệu đồng) do GS-BS Bùi Văn Minh, chuyên gia tim mạch tại Hoa Kỳ, giúp đỡ.

Theo Sài Gòn tiếp thị
  • 1.830