Một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở phía đông Indonesia là Karangetang sáng qua phun trào dữ dội khí nóng và tro bụi. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm người dân sống trong vùng nguy hiểm không chịu sơ tán.
|
Khí nóng đang phun ra từ ngọn Karangetang (Ảnh: volcanspro) |
Chính quyền đảo Siau, nơi ngọn Karangetang tọa lạc, đã ban bố tình trạng báo động xung quanh khu vực này trong suốt 2 tuần qua. Kể từ đó có hơn 4.000 người được sơ tán khỏi những ngôi làng xung quanh. Nhưng vẫn còn hơn 500 người khác kiên quyết ở lại để chăm sóc vật nuôi và mùa màng.
Theo nhà nghiên cứu núi lửa Indonesia Saut Simatupang, trong sáng nay ngọn Karangetang cao 1.783 mét đã phun trào khoảng 30 lần dung nham và tro bụi nóng bỏng. Ông cho biết thêm, chính quyền không thể buộc người dân đi sơ tán hoặc ngăn cản việc họ quay trở về nhà để giữ tài sản.
Năm 1992 ngọn Karangetang từng phun trào dung nham làm chết 6 người trên đảo Siau. Đây chỉ là một phần trong chuỗi những núi lửa của Indonesia vì nước này nằm trên khu vực được mệnh danh là
“Vành đai Lửa Thái Bình Dương”. Những trận động đất và núi lửa hoạt động là nguy cơ luôn rình rập người dân Indonesia. Mới đây nhất, một cơn địa chấn ngoài khơi đảo Java hồi đầu tháng đã gây ra sóng thần làm chết hơn 600 người. Trước đó vào tháng 5, trận động đất xảy ra trên cùng hòn đảo Java cũng cướp đi sinh mạng 5.800 người.
Ngoài ra, các nhà khoa học Indonesia còn đang dành sự chú ý đặc biệt tới núi lửa Merapi đang hoạt động trên đảo Java. Hiện nguy hiểm từ ngọn hỏa diệm sơn này đã giảm nhưng trước đó nó đã khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.