Internet đe dọa các loài vật quý hiếm

  •  
  • 1.564

Một trong những điều đe dọa sự tồn tại của các loài quý hiếm là internet bởi vì mạng toàn cầu đang trở thành “địa chỉ tin cậy” đối với bọn săn trộm.

Hiện nay trên mục rao vặt trên internet có thể mua được gần như bất kỳ loài vật quý hiếm nào từ sư tử con cho đến gấu trắng Bắc cực. Đó là nhữngvấn đề mà Tổ chức bảo vệ động thực vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng (CITES) hết sức quan tâm.

Theo các thành viên của CITES, hiện nay việc buôn bán các loài động vật đang trên bờ vực tuyệt chủng vẫn diễn ra sôi nổi. Các dòng tin “Mua và bán” trên mạng tạo điều kiện cho bọn chuyên săn trộm biết được cụ thể để tiếp cận những người có nhu cầu.


Gấu trắng Bắc cực là một loài thú bị buôn bán phổ biến trên các trang rao vặt.

Trên mạng, có thể tìm được các địa chỉ mua lông thú quý hiếm như gấu trắng Bắc cực đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Một mặt hàng hết sức phổ biến khác là ngà voi từ Phi châu.

Các thương vụ ảo được thực hiện nhanh chóng, kín đáo và có thể che giấu tên họ cả người bán lẫn người mua thông qua các cá nhân chuyên làm môi giới và dịch vụ.

Thị trường lớn nhất buôn bán động vật quý hiếm là Mỹ, sau đó đến châu Âu, Trung Quốc, Nga và Australia. Năm ngoái, doanh số của thị trường này lên tới 10 tỷ đôla.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới, Robert Zoelik cho biết, thu nhập của bọn buôn bán động vật quý hiếm chỉ đứng sau bọn buôn bán ma tuý và vũ khí. Song thực tế đánh giá ấy vẫn chưa phải chính xác, vì còn nhiều điều các nước cố tình giấu diếm, bởi họ đã đã ký Công ước quốc tế cấm buôn bán những động vật đang trên đường tuyệt chủng, trong đó 175 nước đã tham gia.

Ông Paul Todd, chuyên gia của Quỹ Bảo vệ động vật thế giới (International Fund for Animal Welfare-AIFAW) nói: “Chính internet là yếu tố kích thích nạn buôn bán các loài vật cần được bảo vệ". Tổ chức phi chính phủ này có đại diện ở 17 nước trên thế giới, với sự tham gia của nhiều chuyên gia soạn thảo chính sách và pháp luật, nhiều nhà khoa học nổi tiếng và có quan hệ với các tổ chức xã hội và khoa học uy tín.

Theo VNN
  • 1.564