Khám phá loài ếch mới ở giáp biên giới Trung - Việt

  •  
  • 606

Các nhà khoa học đã khám phá một loài ếch bám đá mới (thuộc giống Amolops, lớp ếch nhái) ở vùng núi phía Nam của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiếp giáp với biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Các nhà khoa học đã công bố một loài ếch bám đá mới - Amolops caelumnoctis sp. nov. Rao & Wilkinson, 2007 trên tạp chí nổi tiếng Copeia, Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2007. Vùng phân bố tự nhiên của loài ếch này là ở khu vực thuộc vùng núi phía Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tiếp giáp với biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Loài ếch bám đá mới (thuộc giống Amolops, lớp ếch nhái) ở vùng núi phía Nam của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiếp giáp với biên giới phía Bắc của Việt Nam (Ảnh: Copeia)

Loài ếch này thuộc bộ không đuôi, lớp ếch nhái. Đây là loài lưỡng cư duy nhất có lưng màu tím thẫm, có nhiều đốm nhỏ màu vàng đan xen trải đều trên khắp cơ thể trông giống những vì sao lấp lánh trong bầu trời đêm.

Loài ếch bám đá mới này còn có một đặc điểm phân biệt khác nữa khi đem so sánh với các loài Amolops khác: đó là chúng có lớp da nhẵn (không có các nốt sần) và không có bất kỳ nếp nhăn nào bên hông. Ngoài ra, loài ếch bám đá mới này không có các thanh cơ chằng ngang ở chân.

Qua nghiên cứu các mẫu chuẩn và mẫu so sánh thu được, các nhà khoa học thấy loài mới được khám phá có nhiều đặc điểm khác biệt so với các loài đã biết trước đây.

Loài Ếch bám đá mới có thân dẹt, kéo dài; độ rộng của đầu nhỏ hơn chiều dài cơ thể nhưng lại lớn hơn độ rộng của thân; đầu bẹt; Chi trước mở rộng hơn một chút thon nhỏ và kéo dài. Cẳng chân dài, nhỏ. Loài lưỡng cư mới này sinh sống ven các suối có thác ở vùng núi có mật độ cây lớn, và độ cao so với mực nước biển lớn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đa phần ếch bám đá thuộc giống - Amolops sống tại các vùng núi ở Ấn Độ, Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc.

Hiện nay, trong tổng số khoảng 40 loài ếch bám đá Amolops được biết trên thế giới, thì có tới hơn nửa được tìm thấy ở Trung Quốc đại lục (D. F. Frost, Thế giới các loài lưỡng cư [Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, 17 tháng 08 năm 2006]).

Người dân địa phương vùng núi Hoàng Liên Sơn, Vân Nam, Trung Quốc - phía tiếp giáp với Việt Nam khi cùng tham gia với đoàn nghiên cứu thuộc Viện Động vật học Côn Minh (Kunming Institute of Zoology) trong khi khảo sát loài vượn đen vào mùa xuân năm 2002 đã phát hiện thấy những sinh vật này và tiến hành chụp ảnh của chúng. Tiếp đó, một đoàn nghiên cứu đã lấy được nhiều mẫu vật về loài lưỡng cư mới lạ này.

Loài Ếch bám đá mới có thân dẹt, kéo dài.
(Ảnh: Copeia)

Bùi Thành (Theo Vietnamnet)
  • 606