Trong khi nhà thẩm mỹ học nhìn các ứng viên hoa hậu dưới các vòng 1, 2, 3 thì nhà khoa học chú trọng đến khả năng tiến hoá của con người ở vòng... cổ. Bộ phận này tỏ ra có nhiều biến đổi nhất trong quá trình tiến hoá từ trước đến nay, cả ở người và động vật.
Có thể khẳng định cổ của loài người là một trong những bộ phận có những bước tiến hoá rõ nét nhất. Không có nó, con người sẽ không đi được trên đôi chân, bộ não sẽ không có kích thước như hiện nay để giúp chúng ta gặt hái những thành quả về mặt tri thức. Trong quá trình tiến hoá hàng triệu năm, tổ tiên chúng ta đã đi thẳng lưng nhờ hai nhóm bộ phận cốt yếu trên cột sống, đó là nhóm các đốt sống cổ và thắt lưng cùng nhóm đốt sống lưng và xương cùng. Cái đầu của chúng ta giữ được thế cân bằng với thân mình nhờ sự hoàn chỉnh của cái cổ với 7 đốt sống.
Mặt khác, sau hàng triệu năm, bộ não người cũng đã có những biến đổi nhanh chóng để thích ứng với các điều kiện sống, từ khối lượng 600 cm3 ở người Homo habilis, tăng lên 1.200 cm3 ở người Homo erectus và nay đã đến mức 1.500 cm3 ở người Homo sapiens.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cổ của những loài vật khác trong quá trình tiến hoá để thích nghi với các điều kiện sống khắc nghiệt thì xem ra chúng ta còn phải chấp nhận một vị thế khiêm tốn. Loài rắn chẳng hạn, khi nuốt gọn một quả trứng gà, cổ của chúng hoạt động hiệu quả như một cái hàm, những gai bên trong cổ vươn ra kết hợp với những cơ bắp ở các đốt sống cổ nghiền nát vỏ trứng, đẩy chất dịch trong trứng vào bộ máy tiêu hoá, giữ lại vỏ trứng bởi một cơ co thắt. Để đạt thành tích này, cổ của loài rắn phải trải qua hàng triệu năm tiến hoá.
Trong đời sống thuỷ sinh, loài cá không có cổ. Cách nay 370 triệu năm, những động vật có xương sống và bốn chi bắt đầu cuộc sống trên mặt đất. Để thích ứng với môi trường mới, những con vật lưỡng cư đầu tiên đã có một mầm khớp nằm giữa sọ não và đốt sống lưng thứ nhất. Sự chinh phục môi trường trên cạn đi kèm với sự tiến hoá cần thiết của hệ hô hấp.
Theo Jean Pierre Gasc, giáo sư giải phẫu học thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Pháp, ở loài ếch nhái, không khí do chúng hít thở qua mũi đi thẳng vào khoang miệng. Chúng chỉ nuốt con mồi chứ không nhai, và phải nuốt thật nhanh, vì khi nuốt chúng phải nín thở.
Ở loài bò sát, tình hình được cải thiện hơn: một vòm miệng phụ đẩy không khí vào bên trong cổ họng, đến một ống khí nằm cạnh thực quản. Ở thằn lằn, cổ phát triển, một vài đốt sống lưng biến thành đốt sống cổ. Từ đó, bộ phận này không ngừng được biến đổi cho phù hợp với nhu cầu sinh sống khi ngày càng nhiều chủng loài xuất hiện trên hành tinh. Nhiều giống rùa có cổ dài ra như cổ rắn, giúp chúng không cần nhô cả mình lên khỏi mặt nước khi bơi.
Kền kền Sarcoramphus papa.
Loài kền kền vùng Amazon có tên khoa học Sarcoramphus papa được tạo hoá ban cho một khoảng cổ trụi lông để khi rúc đầu vào xác những động vật bị thối rữa, lông cổ chúng không bị dính chất bẩn và hôi thối, rất khó làm sạch. Khoảng cổ màu đỏ tươi này cũng là dấu hiệu dễ thấy nhất khi chúng đang bay trên những tán cây rừng, nhìn xuống bên dưới và nhận ra đồng loại đang quây quần bên một miếng mồi. Ở loài morse (Odobenus rosmarus), cổ của chúng có hai túi khí có thể phồng lên hay xẹp xuống tuỳ ý. Bộ phận này mở ra khí quản, giúp con đực có thể nhô đầu lên khỏi mặt nước để thở trong trường hợp bị thương hoặc chỉ đơn thuần để đánh một giấc ngủ trưa. Khi con vật đến tuổi trưởng thành, những túi khí trên còn có tác dụng của những hộp cộng hưởng để gửi tín hiệu tình yêu cho con cái.
Khỉ hét Alouatta senjculus.
Cũng trong bản năng giao tiếp, gọi bầy, cái cổ của loài khỉ hét (Alouatta senjculus) có thể làm giật mình lạnh gáy bất cứ ai bình tĩnh nhất, bởi tiếng hét của chúng vang vọng đến 2 km rừng già. Bí ẩn của khả năng kỳ lạ này nằm ở một mẩu xương móng trong cổ chúng. Bộ phận này có thể phình to như một quả bóng, khuếch đại những âm thanh phát ra từ khí quản, khiến chúng được xếp vào một trong những loài có khả năng phát âm mạnh nhất trong thế giới loài vật.
Loài thằn lằn Australia Chlamydosaurus kingii không hét to để phô trương sức mạnh nam tính. Mỗi khi cần chinh phục con cái, chúng căng tròn lớp da xếp nếp quanh cổ có đường kính rộng đến 30 cm, trông như một cái dù. Miệng chúng càng há to thì cái dù càng rộng. Bí ẩn của khả năng này nằm ở những nhánh sụn liên kết với các cơ ở lưỡi và hàm của chúng.
Cò cổ rắn.
Cũng trong làng ong bướm, thích tán tỉnh và tìm kiếm bạn tình, loài đà điểu có cái cổ dài 1 mét mọc trên một thân hình cao 2,7 mét. Nếu làm một cuộc so sánh để tương ứng với loài này thì cái đầu của loài người chúng ta phải cao bằng một tầm tay giơ thẳng lên trời. Một mét cổ của loài đà điểu chứa 18 đốt sống, là phương tiện biểu diễn tối ưu của chúng trong những màn trình diễn với bạn tình.
Bên cạnh những loài sử dụng cổ như một phương tiện giúp chinh phục đồng loại, một số loài nhắm đến những nhu cầu thiết thực hơn, đó là săn mồi và ăn uống. Loài cò cổ rắn (anhinga) có một cái cổ cong hình chữ S và dài kỷ lục, khiến chúng có thể xoay đầu một góc 270 độ để quan sát con mồi, đồng thời phóng nhanh cái mỏ như một dòng điện xẹt để tóm bắt đàn cá đang bơi trong nước.
Tuy nhiên, xứng đáng nhất trong làng cổ dài có lẽ là loài hươu cao cổ. Với chiều cao 2,5 mét tính từ chân lên vai và cái cổ dài 2 m, chúng có điều kiện để ăn lá cây ở những độ cao mà không một loài nào trên mặt đất với tới. Song, mỗi lần uống nước, đầu chúng phải cúi xuống một chiều sâu 4,5 mét và có nguy cơ bị máu dồn ngập não. Chính cái cổ đã cứu chúng: mỗi lần chúi đầu uống nước, những van nhỏ nằm bên trong cổ đậy lại, ngăn không cho máu dồn xuống đầu. Khi chúng uống nước xong và ngước đầu lên cao, bộ não có nguy cơ không được cung cấp đủ máu. Lần này cứu tinh lại là trái tim. Bộ phận này tạo ra một huyết áp cao gấp 2 lần các loài vật khác, đảm bảo cho lượng máu bơm lên đầu đáp ứng được yêu cầu của não bộ.
Chỉ bấy nhiêu đủ cho thấy sự tinh vi trong cấu tạo sinh lý của nhiều loài đáng để cho con người chúng ta phải ghen tị.