Huyền thoại và hiện thực về người cá

  •   4,19
  • 43.038

Nàng tiên cá có thật hay không vẫn chưa rõ, nhưng những huyền thoại về nàng tiên cá vẫn còn rất nhiều. Những lời đồn đại và cả bằng chứng về sự tồn tại của các nàng tiên cá làm cho “người cá” trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của đại dương. Thậm chí, cái tên “người cá” còn được đặt cho một căn bệnh nan y.

Truyền thuyết về người cá và những sự thật được khám phá

Nhiều bằng chứng trong quá khứ đã ghi lại sự tồn tại của người cá. Những nhà hàng hải nổi tiếng như Christofe Columbo, Ferrnan de Magellan đều có ghi nhận về những chuyến đi gặp “cô gái của biển cả”.

Huyền thoại và hiện thực về người cáNữ thần Atargatis trong hình dạng mình cá trên một đồng xu Hy Lạp cổ đại của Demetrius III Eucaerus.

Người cá vốn được biết đến như một sinh vật thủy sinh huyền thoại với phần trên cơ thể giống hệt một cô gái, da trắng, tóc đen nhưng nửa dưới là một cái đuôi to được bao bọc bởi lớp vảy lớn giống như đuôi cá. Hình tượng này đã xuất hiện trong văn học giân gian của nhiều nền văn hóa trên thế giới, bao gồm cả vùng Cận Đông, Châu Phi và Châu Á. Những câu chuyện đầu tiên xuất hiện trong văn học cổ của người Assyria với việc nữ thần Atargatis đã tự biến mình thành người cá vì đã vô tình giết chết người mình yêu. Trong nhiều truyền thuyết khác, hình ảnh người cá còn gắn liền với bão tố, đắm tàu … nhưng đôi khi họ cũng trở nên nhân hậu, tốt bụng và vướng vào tình yêu với con người.

Nhiều bức tranh, tượng của người xưa cũng thể hiện hình ảnh người cá. Những “nàng tiên cá” có nhiều nét giống với con người hiện đại. Họ có đôi mắt to, đẹp cùng nhìn về một hướng giống mắt người (mắt cá nhìn theo 2 hướng khác nhau).

Huyền thoại và hiện thực về người cá
(Ảnh: skeptiseum)

Bàn tay người cá có ngón cái chĩa ngang như người, thuận tiện cho việc cầm nắm công cụ lao động. Trong các hình ảnh thì người cá có đầu khá to so với thân hình, chứng tỏ bộ não khá phát triển. Phần thân dưới của người cá hầu hết đều có hình dạng bơi chèo có rẻ quạt ở đầu chót tương tự đuôi cá voi.

Vượt ra ngoài khuôn khổ hư cấu và truyền thuyết, chúng ta thậm chí còn có những câu chuyện được cho là có thật do chính những thủy thủ tàu và cư dân vùng biển cách đây hàng trăm năm kể lại. Lần đầu tiên người cá bước ra khỏi những câu chuyện hư ảo để hiện diện trước người trần mắt thịt là vào năm 1403. Nước lũ rút vội đã khiến người cá mắc kẹt trên bờ biển Eton, Hà Lan, sau đó được 1 nhóm ngư dân tìm thấy. Theo cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 do đích thân Bộ trưởng nước Anh John Swan viết về sự kiện này, mỹ nhân ngư tỏ ra sớm hòa nhập với cuộc sống “trần gian”, thích mặc quần áo đẹp, thích dạo chơi, nghe các quý bà tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nàng hé môi trò chuyện nửa lời.

Vào năm 1493, tại ngoài khơi bờ biển Hispaniola, nhà thám hiểm Christopher Columbus nhìn thấy ba nàng tiên cá nhảy cao lên từ mặt biển. Columbus đã viết trong cuốn nhật ký tàu của mình: “Họ không đẹp như tranh vẽ, mặc dù ở một mức độ nào đó, họ có nét con người trên khuôn mặt.” Ông cũng lưu ý rằng ông đã thấy những sinh vật tương tự trên bờ biển Tây Phi.

Huyền thoại và hiện thực về người cá
Hình ảnh người cá trong bức phù điêu trang trí tại căn nhà Fefiñans Manor, Glacia vào thế kỉ 16.

Huyền thoại và hiện thực về người cá
Tác phẩm chạm khắc của nghệ sĩ James Richards thực hiện vào năm 1731-1732, hiên đang được lưu giữ Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Greenwich.

Một cuộc chạm trán với tiên cá khác từng được coi là câu chuyện có thật trong cuốn sách "Những bí ẩn và huyền thoại khó tin của đại dương" của Edward Snow. Một thuyền trưởng miêu tả cuộc chạm trán ngoài khơi vùng Newfoundland năm 1614 của mình: "Thuyền trưởng John Smith thấy một nàng tiên cá bơi lại gần với vẻ đẹp khó có thể miêu tả. Ông nhìn thấy sinh vật này với đôi mắt to, cái mũi thẳng nhưng lại có phần ngắn và một đôi tai dài. Smith còn cho biết là mái tóc dài màu xanh mang lại một vẻ hấp dẫn cho nàng tiên cá". Trước vẻ đẹp này, Smith thậm chí đã có chút xao xuyến khi nhìn ngắm người phụ nữ trước khi đột ngột nhận ra thân hình dưới eo cô là của loài cá.

Huyền thoại và hiện thực về người cá
Bức tranh người cá của một nghệ sĩ Nga vô danh vẽ năm 1866.

Huyền thoại và hiện thực về người cá
Tranh của nghệ sĩ Elisabeth Jerichau Baumann vẽ năm 1873

Câu chuyện về sinh vật này càng trở nên ly kỳ khi báo chí cũng vào cuộc. Năm 1738, nhật báo Luân Đôn đăng tải một tấm hình gây sốc: một mỹ nhân ngư nhỏ bé được phát hiện bên bờ biển Hebrides, bị ném đá tới chết do người ta tưởng nhầm là quái thai. Sau đó cô người cá xấu số được mai táng cẩn thận, và nếu có ai tỏ ý nghi ngờ thì bất kỳ người già hay con trẻ nào trong làng cũng sẵn sàng thề độc để chứng minh câu chuyện có thật 100%.

Ngày nay, một số viện bảo tàng trên thế giới có lưu giữ những mẫu vật được coi là xác ướp của người cá. Một số nhà khoa học khẳng định người cá là có thật, thậm chí họ cho rằng nguyên nhân ô nhiễm môi trường sinh thái biển và sự khai thác thủy hải sản bừa bãi đã khiến người cá tuyệt chủng.

Người cá đã trở thành một đề tài ăn khách của phim ảnh, tiểu thuyết như truyện Người cá của nhà văn Nga Alexander Beliaev, hay Nỗi kinh hoàng của nhà văn Pháp Guy de Maupassant.

Hội chứng người cá

Mermaid Shydrom - Hội chứng người cá là một căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh (1/70.000 trường hợp). Những trẻ sinh ra có hai chân dính vào nhau rất giống với hình ảnh người cá huyền thoại. Thường thì trẻ em mắc khuyết tật này tử vong ngay sau khi sinh vài ngày do cơ quan nội tạng bị tổn thương nặng, thiếu thận hoặc các biến chứng khác.

Ngày 12/11/2006, các bác sĩ Bệnh viện Hồ Nam (Trung Quốc) đã tìm thấy một em bé “người cá” được đặt trước cổng bệnh viện. Em bé này là một trường hợp hiếm hoi trong y khoa: Ngoài khuyết tật hai chân dính liền vào nhau từ đùi cho đến gót, em bé còn không có thận, hậu môn và cơ quan sinh dục ngoài không phát triển, tắc ruột... Mặc dù sử dụng nhiều biện pháp can thiệp y tế hiện đại như thẩm phân phúc mạc (phương pháp lọc màng bụng) nhưng các bác sĩ chỉ kéo dài sự sống của bệnh nhi trong một thời gian ngắn.

Bé Milagros Cerron
Bé Milagros Cerron (Ảnh: giareng)

Trên thế giới hiện có hai “người cá” sống sót, đó là Tiffany Yorks (17 tuổi, người Mỹ, đã được phẫu thuật tách rời chân thành công khi còn bé). Chân của em được tách trước khi em tròn một tuổi.

Người cá thứ hai còn sống sót là bé Milagros Cerron (2 tuổi, người Peru, được tách rời chân vào năm 2005). Milagros chào đời tại thành phố miền núi Huancayo, cách Lima 200km về phía đông. Bé Milagros Cerron có hai chân dính liền với nhau như đuôi của người cá.

Dạ dày của Milagros dính liền với chân, em chỉ có một quả thận và một kênh chung cho tuyến tiêu hóa và cơ quan sinh dục.

Các bác sĩ ở một bệnh viện tại Lima đã tiến hành thành công ca phẫu thuật tách chân. Nhóm phẫu thuật gồm các bác sĩ tim mạch, chỉnh hình, chấn thương, thần kinh, phụ khoa và nhi khoa. Trong tương lai, bé Milagros sẽ có thể đi lại và hòa nhập cuộc sống bình thường.

Cập nhật: 06/07/2017 Tổng hợp
  • 4,19
  • 43.038