Bí ẩn sự kiện Tunguska

  •   4,714
  • 14.355

Cách đây 100 năm, một vụ nổ khủng khiếp xé toang bầu trời bình minh trên những cánh rừng taiga đầm lầy miền tây Siberia, để lại một câu đố đến ngày nay vẫn còn là bí ẩn.

Một tia sáng chói lòa rạch ngang trời, tiếp theo là sóng chấn động có nguồn năng lượng của một nghìn quả bom nguyên tử đã san phẳng 80 triệu cây cối trong một khu vực rộng hơn 2000km2.

Những người du cư Evenki vẫn kể lại vụ nổ đã hất tung nhà cửa và động vật lên không trung như thế nào. Ở Irkutsk, cách đó 1500 km, các bộ cảm ứng địa tầng ghi lại hiện tượng có vẻ như một trận động đất. Quả cầu lửa lớn đến nỗi một ngày sau, người dân London vẫn có thể đọc báo dưới bầu trời đêm.

Nguyên nhân của sự kiện Tunguska - được đặt tên theo dòng sông Podkamennaya Tunguska gần nơi nó xảy ra - vẫn còn nằm trong ít nhất nửa tá giả thuyết.

Giả thuyết lớn nhất đó là một tảng đá sau khi du hành trong không gian hàng triệu năm đã kết thúc hành trình tại trái đất chính xác vào lúc 7:17 sáng ngày 30 tháng 6 năm 1908.

Ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho giả thuyết va chạm đột ngột cũng biết vẫn còn nhiều sơ hở. Họ cố gắng tìm kiếm câu trả lời, tin rằng điều này sẽ củng cố việc phòng vệ trước những mối nguy như Tunguska trong tương lai, sự kiện mà theo các chuyên gia xảy ra với tần số trung bình là 1/200 năm cho đến 1/1000 năm.

Khoảng 80 triệu cây bị đổ sau vụ nổ Tunguska. Ảnh chụp trong một cuộc khảo sát từ năm 1927. (Ảnh: astro.wsu.edu)

Theo lời bình của tờ báo khoa học Anh Nature: “Hãy tưởng tượng một thiên thạch bất ngờ lao xuống tàn phá một vùng đất mà không như Tunguska và những vùng hoang vắng ít ỏi khác trên trái đất ngày nay, vùng đất đó lại có người sinh sống.”

Nếu thủ phạm là một tảng đá, những lựa chọn sẽ nằm giữa một thiên thạch - mảnh vỡ bị hất ra khỏi vòng quỹ đạo giữa sao Hỏa và sao Mộc được mặc định lao vào trái đất, và một sao chổi - quả cầu chứa đầy các vật chất nguyên thủy, băng giá lượn lờ quanh Thái dương hệ.

Các sao chổi di chuyển với tốc độ lớn hơn nhiều so với thiên thạch, có nghĩa là chúng giải phóng động năng lớn hơn khi va chạm. Một sao chổi nhỏ sẽ có lực va chạm tương đương một thiên thạch lớn hơn.

Tuy nhiên, sau bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm, không có mảnh vỡ nào được tìm thấy trong sự kiện Tunguska.

Theo các nhà nghiên cứu Italia Luca Gasperini, Enrico Bonatti và Giuseppe Longo, tìm ra một mảnh cũng quan trọng vì nó sẽ tăng cường hiểu biết của chúng ta về mức độ hiểm nguy của các vật thể gần trái đất nguy hiểm (Near Earth Objects – NEOs).

Khi một thiên thạch mới được phát hiện, quỹ đạo của nó có thể được dùng để dự đoán va chạm nhiều năm sau trong tương lai. Sao chổi có số lượng ít hơn nhiều so với thiên thạch nhưng lại đáng lo ngại hơn, vì chúng là một thực thể khó dò biết.

Phần lớn sao chổi chưa được phát hiện vì chúng phải mất hàng thập kỷ hoặc thậm chí hàng trăm năm để quay xung quanh mặt trời và vượt qua mặt chúng ta. Kết quả là, bất kỳ sao chổi nào có nguy cơ đâm vào trái đất có thể đột ngột xuất hiện từ trong bóng tối và cho chúng ta rất ít thời gian để kịp phản ứng.

Nhóm nghiên cứu của Gasperini viết trong tờ Scientific American rằng “Nếu sự kiện Tunguska thực sự do một sao chổi gây ra, nó thuộc loại độc nhất vô nhị chứ không chỉ là một trường hợp quan trọng nằm trong những hiện tượng đã được phân loại. Mặt khác, nếu thực sự một thiên thạch phát nổ trên bầu trời Siberi vào sáng tháng 6 đó, tại sao không ai tìm thấy một mảnh vỡ nào?”

Các chuyên gia về NEO cũng không chắc chắn về độ lớn của vật thể.

Theo phán đoán, dựa trên quy mô phá hủy mặt đất, nó có kích cỡ khoảng 3m đến 70m. Tất cả đều đồng ý rằng vật thể, bị nung nóng do sự ma sát với phân tử khí quyển, phát nổ cách xa mặt đất – khoảng từ vài km đến 10km.

Nhưng lại nổ ra tranh cãi dữ dội liệu có bất kỳ mảnh vỡ nào chạm mặt đất hay không?

Điều này vô cùng quan trọng. Nếu sự kiện Tunguska xảy đến lần nữa, những người bảo vệ trái đất phải chọn lựa liệu cố chuyển hướng của nó đi hay cho nó nổ trong không gian, với rủi ro là một vật thể ở kích cỡ nhất định có thể tồn tại sau khi bốc cháy trong bầu khí quyển rồi va chạm với hành tinh của chúng ta.

Hồ Cheko. (Ảnh: Đại học Bologna)


Bộ ba các nhà khoa học Ý tin rằng câu trả lời nằm trong một cái hồ hình oval, gọi là hồ Cheko, nằm cách vị trí va chạm 10km. Họ dự định quay lại hồ Cheko hy vọng sẽ tìm thấy một vật thể có kích cỡ như trên nằm sâu 10m dưới tầng đáy hình phễu của hồ phản lại sóng siêu âm.

Nhưng điều gì xảy ra nếu lý do không phải là sao chổi cũng không phải thiên thạch? Một giả thuyết mới lại khuấy động trên tờ New Scientist.

Hồ Cheko không có hình tròn thường thấy của một hố va chạm, và không có vật chất ngoài trái đất nào được phát hiện, có nghĩa là “nguyên nhân xuất phát từ chính trái đất”, theo như Wolfgang Kundt - nhà vật lý học tại ĐH Bonn, Đức - phát biểu trên tờ New Scientist.

Ông tin rằng sự kiện Tunguska xảy ra do sự giải phóng 10 triệu tấn khí giàu mê-tan nằm trong lớp vỏ trái đất. Bằng chứng của sự thoát khí hủy diệt tương tự có thể được phát hiện tại Blake Ridge, đáy biển ngoài Na Uy: một “vết rỗ” rộng 700km2.

Tuệ Minh (Theo PhysOrg)
  • 4,714
  • 14.355