Núi Phú Sĩ lại "trần trụi" sau vài ngày có tuyết

  •  
  • 243

Theo Đài quan sát Trái Đất (NASA Earth Observatory) của NASA, tuyết rơi trên đỉnh núi Phú Sĩ (Nhật Bản) ngày 6/11 chỉ kéo dài vài ngày ngắn ngủi.

Kênh tin tức thành lập vào năm 1999 này thực hiện so sánh và kết luận thông qua 2 bức ảnh. Một là ảnh chụp từ công cụ viễn thám Operational Land Imager (OLI) trên vệ tinh quan sát Trái Đất Landsat 8 ngày 9/11. Ảnh đối chiếu được chụp vào 30/10/2023 được chụp bởi OLI-2 trên Landsat 9.

 Đỉnh núi Phú Sĩ chụp vào ngày 9/11 và 30/10/2023.
Đỉnh núi Phú Sĩ chụp vào ngày 9/11 và 30/10/2023. (Ảnh: Wanmei Liang/NASA).

Vào năm này, tuyết rơi trên núi Phú Sĩ là 5/10, 25 ngày sau tinh thể băng vẫn còn ở đó. Nhưng năm nay, hiện tượng trên chỉ kéo dài vỏn vẹn 3 ngày.

"Đợt tuyết đầu tiên trên đỉnh núi lửa vào đầu tháng 11 rõ ràng đã biến mất trong vòng vài ngày và đây cũng là đợt tuyết cuối cùng sau 130 năm. Sự chậm trễ chưa từng có này diễn ra sau một mùa hè ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trên khắp Nhật Bản cùng với đó là một mùa thu ấm áp bất thường", tác giả Lindsey Doermann viết trong bài đăng hôm 19/11.

Theo quan sát của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), nhiệt độ trung bình mùa hè nước này từ tháng 6-8 cao hơn 1,76 độ C so với mức trung bình năm 1991-2020.

Con số tương tự với mùa hè năm 2023 - mùa hè nóng nhất của đất nước kể từ năm 1898. Nhiệt độ trên mức trung bình tại đây tiếp tục được ghi nhận vào mùa thu.

Tuyết trên núi Phú Sĩ hôm 6/11.
Tuyết trên núi Phú Sĩ hôm 6/11. (Ảnh: @goodandbadjapan).

Theo báo cáo của Climate Central, trên khắp Nhật Bản, hơn 120 triệu người đã trải qua đợt "nóng bất thường" trong tuần đầu tiên của tháng 10 khi hơn 70 thành phố của xứ sở hoa anh đào ghi nhận nhiệt độ từ 30°C trở lên.

Hiện tượng này cũng được ghi nhận tại đỉnh núi Phú Sĩ và được cho là nguyên do ngăn không cho tuyết rơi vào đúng thời điểm.

Hình ảnh đỉnh núi Phú Sĩ một màu xanh trơ trọi khiến du khách cảm thấy lạ lẫm bởi địa danh thường được tuyết bao phủ quanh năm. Vào mùa leo núi (tháng 7-9), khoảng 220.000 du khách vượt hơn 3.700 m để ngắm bình minh. Độ ngoạn mục của ngọn núi có cấu trúc hình nón này khi nhìn từ xa cũng trở thành cảm hứng của nhiều tác giả, nghệ sĩ, nhà thơ và cả người làm du lịch.

Cập nhật: 22/11/2024 Znews
  • 243