Đằng sau những giấc ngủ hàng nghìn năm của các xác ướp là những bí ẩn lớn mà con người chưa thể khám phá hết. Tại Việt Nam, có nhiều ngôi mộ cổ đã được phát hiện, hé lộ những bí quyết ướp xác độc đáo từ thời xa xưa.
>>> Phát hiện hai ngôi mộ nghìn tuổi ở khu đô thị Ciputra
>>> Phát hiện xác ướp hơn 200 năm tuổi ở Đồng Nai
Một xác ướp với niên đại trên 200 năm vừa được phát hiện trong cuộc khai quật mộ cổ Cầu Xéo ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai vào cuối ngày 16-9-2011.
Quan tài được phát hiện trong cuộc khai quật mộ cổ Cầu Xéo ở
huyện Long Thành, Đồng Nai (Nguồn: Báo Đồng Nai)
Mộ cổ Cầu Xéo có kiến trúc khép kín, hình chữ nhật. Mộ được cấu tạo trong quan ngoài quách gồm: quách hợp chất bao quanh 6 mặt dày khoảng 50cm. Bên trong có quách bằng gỗ và trong cùng là quan tài với nắp hình bán nguyệt, phía trên có phủ vải với họa tiết hoa văn dây, lá và hoa cúc. Phía trong quan tài, khối xác ướp được bao bọc bằng vải và trên cùng phủ lá sen. Đoàn khai quật đã đưa quan tài trong đó có xác ướp về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.
Theo nguồn tin của TTXVN, các nhà khảo cổ cho biết, căn cứ những thông tin bên ngoài và phần xác ướp bên trong quan tài có thể khẳng định người trong quan tài là cụ bà, hoặc có thể là một mệnh phụ phu nhân gắn bó mật thiết với triều Nguyễn.
Trước đó, vào ngày 1-4, trong khi thi công làm đường thuộc Dự án công nghiệp Bảo Minh, tại cánh đồng Đầu Đín thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, công nhân đã phát hiện ra 5 ngôi mộ, trong số đó có 4 ngôi là mộ hiện đại mà áo quan đã bị mối mọt huỷ hoại, còn ngôi cuối cùng có cấu trúc đặc biệt.
Đến ngày 15-9, Bảo tàng Nam Định phối hợp với PGS. TS Nguyễn Lân Cường, phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, chủ trì buổi khai quật ngôi mộ xác ướp nói trên và đến ngày 17-9, công tác khai quật đã hoàn tất.
Khai quật mộ xác ướp thời Hậu Lê tại khu công nghiệp Bảo Minh,
Vụ Bản, Nam Định (Nguồn: Công an Nhân dân)
Theo đánh giá, đây là ngôi mộ cổ có quách dài 94,5cm, rộng 27,3cm, cao 33,4cm làm bằng hợp chất mật, cát, vôi, than. Bên trong quan tài là một bộ xương người được phủ bên trên một lớp vải thô. Trên mặt xác ướp phủ một tấm giấy gió. Bộ xương còn khá nguyên vẹn, đặc biệt vẫn còn 32 chiếc răng và 8 sợi tóc dính trên xương hàm dưới và xương dưới sọ. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây có thể là một người đàn ông khoảng 40 đến 45 tuổi.
Cuối năm 2007, doanh nghiệp tư nhân Phúc Nga đã phá hủy một ngôi mộ cổ nằm ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Theo lời kể của những người tham gia phá mộ, ông chủ trên đã phải thuê hàng chục nhân công dùng búa chim, xà beng đục đẽo nhưng khối hợp chất gồm vỏ ngao, sò, vôi, bột đá... vẫn không suy chuyển. Thậm chí người ta còn phải dùng cả máy khoan đục khoét suốt 3 ngày 3 đêm mới bật tung được nắp mộ, để lộ ra chiếc quan tài phủ sơn màu đỏ au.
Theo mô tả, quách của mộ là một khối hợp chất khổng lồ, dày đến nửa mét. Dưới nắp quách nặng hàng chục tấn là một quan tài lớn phủ sơn ta đỏ au. Khi quan tài bật nắp, mùi dầu thơm lan tỏa cả một vùng rộng lớn.
Những đồng tiền cổ chôn theo xác ướp ở ngôi mộ cổ tại xã
Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (Nguồn: báo Đất Việt)
Trong quan tài là thi hài một cụ ông, cao khoảng 1,60m. Mọi người đều giật mình khi thấy thi hài còn nguyên vẹn như người mới được chôn, râu, tóc, lông mày cũng vẫn còn nguyên. Da dẻ vẫn mềm mại, hồng hào. Thi hài được quấn bằng rất nhiều quần áo, chăn, gối và chân đi đôi hài cao đến đầu gối như còn mới nguyên. Thi thể ngập trong bể tinh dầu màu nâu, đặc sánh. Trông cảnh ấy ai cũng hoảng, nhưng ý nghĩ trong quan tài có nhiều vàng bạc, châu báu, đồ cổ, nên nỗi sợ tan biến đâu mất. Người ta thi nhau mò mẫm khắp nơi, dùng dao, kéo cắt hết quần áo của thi hài ra để tìm châu báu.
Đồ tùy táng trong mộ gồm quần áo, chăn gối, những chiếc hài và hàng trăm đồng tiền cổ… bị những người phá mộ chia nhau và phân tán khắp nơi.
Dân địa phương không có tài liệu gì ghi chép về ngôi mộ cổ này. Người dân chỉ được nghe truyền miệng lại rằng, đây là ngôi mộ cổ của một ông Quận công thời Hậu Lê.
Sau đó xác ông Quận được mang ra một cánh đồng cách đó chừng 3km để táng trong một ngôi mộ tròn đã được ông chủ doanh nghiệp này xây sẵn. Tuy nhiên, bể mộ xây để chứa xương cốt mà thi hài vẫn còn nguyên vẹn, nên những người tham gia chôn cất đã vô tâm bẻ gập chân thi hài ông Quận lên, bẻ quặt tay, gập đầu xuống để nhét cho vừa hố rồi lấp đất lại.
Dư luận đã rất bất bình khi không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng đã để nhóm người trên ngang nhiên vác mìn đến đánh hoác cả hầm mộ. Và đau lòng nhất là ngôi mộ cổ mấy trăm năm tuổi có xác ướp của một vị Quận công, còn chưa được nghiên cứu gì, đã bị người ta đào bới phá tan tành.
Ngôi mộ cổ này cũng bị một nhóm người tự ý phá nắp quách, nắp quan khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Ngôi mộ cổ trên được phát hiện vào cuối tháng 4-2005.
Cấu trúc mộ cổ ở vườn đào gồm ba lớp. Lớp quách hợp chất ngoài cùng dày 1,5cm làm bằng vôi vữa, mật, nước gạo nếp, giấy bản trộn. Kế tiếp là lớp quách gỗ bọc ngoài quan tài, dày 9cm. Quan tài đóng bằng gỗ vàng tâm dày 10cm. Xác ướp bên trong quan tài là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, còn nguyên vẹn, được bọc trong nhiều lớp vải và ngâm dầu thơm. Xác ướp đã bị những người đào mộ làm xuất lộ trước khi có sự can thiệp của các nhà khảo cổ.
Các hiện vật trong mộ gồm có: gối đầu, gối chèn, đôi hia thêu, 4 áo lụa, 10 áo gấm, 9 áo liệm, hai túi vải (chứa các hiện vật có thể là trầu cau hoặc các vị thuốc). Các hiện vật cho thấy đây là một người giàu có, sống vào cuối thế kỷ 18. Danh tính của xác ướp không được xác định. Xác ướp đã được liệm, đưa vào quan tài và chôn cất tại nghĩa trang Nhật Tân ngày 7-5-2005.
Ngô mộ cổ ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên và ngôi mộ cổ ở vườn đào Nhật Tân, Hà Nội là hai trong số rất nhiều những ngôi mộ cổ đã bị con người tàn phá. Chỉ vì hám lợi, những nhóm người này đã nhẫn tâm chà đạp lên những giá trị văn hóa với mục đích tìm vàng bạc, châu báu…trong mộ cổ. Bên cạnh đó, ngôi mộ cổ vừa được khai quật tại Nam Định cũng đã phải phơi sương, phơi nắng suốt 5 tháng vì không “giải phóng được mặt bằng” để khai quật. Dư luận cho rằng, các ngành chức năng cần có một cái nhìn nghiêm túc hơn trong vấn đề khám phá và bảo tồn những giá trị văn hóa của người Việt xưa.