Ngày 13/11, Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) cho biết trong những ngày tới, các nhà khoa học Australia sẽ bắt đầu hải trình nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với dòng hải lưu mạnh nhất thế giới.
Các dòng hải lưu biển sâu Nam Cực chảy chậm lại. (Ảnh: Getty Images).
Một nhóm các nhà khoa học sẽ tham gia chuyến nghiên cứu kéo dài hơn một tháng trên tàu Investigator để đánh giá vai trò của Hải lưu vòng Nam Cực đối với tình trạng tan chảy của các thềm băng tại chính khu vực này. Ngoài các nhà nghiên cứu thuộc CSIRO, tham gia dự án còn có các chuyên gia thuộc Sáng kiến Đối tác Chương trình Nam Cực do Chính phủ Australia tài trợ.
Hải lưu vòng Nam Cực là dòng hải lưu chảy theo chiều kim đồng hồ từ phía Tây sang Đông xung quanh lục địa, được coi là dòng hải lưu mạnh nhất trên thế giới. Nhà khoa học trưởng của CSIRO Benoit Legresy cho biết dòng hải lưu này thường đóng vai trò ngăn nước ấm chảy đến Nam Cực và làm tan băng, song dòng nước ấm hiện nay đã đến khu vực này. Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về những dòng xoáy và động lực mà dòng hải lưu Nam Cực tạo ra, vốn đang được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến nước ấm ngấm về phía Nam Cực.
Theo ông Legresy, có tới 5 dòng xoáy dẫn nhiệt, hay còn gọi là các “điểm nóng” xung quanh hải lưu vòng Nam Cực, đóng vai trò là “cửa ngõ” truyền nhiệt về phía Nam. Nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là truy tìm và nghiên cứu những cửa ngõ này để có lời giải cho hiện tượng nước ấm đổ về Nam Cực.
Bên cạnh đó, thông qua hải trình này, các nhà nghiên cứu cũng có cơ hội lần đầu tiên xác minh những hình ảnh chụp Nam Đại Dương do vệ tinh Surface Water and Ocean Topography (SWOT) ghi lại. Đây là vệ tinh do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA phối hợp triển khai với Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp hồi tháng 12/2022.