Dòng hải lưu chưa từng được biết đến được phát hiện nhờ... hải cẩu

  •  
  • 561

Lần đầu tiên, các dòng hải lưu quan trọng đã được quan sát ở Nam Đại Dương với sự trợ giúp của robot và các cảm biến khoa học được gắn trên hải cẩu.

Những dòng chảy này kiểm soát lượng nhiệt và cacbon di chuyển giữa đại dương và khí quyển – một quá trình có ảnh hưởng lớn đến khí hậu toàn cầu.

Trong hai nghiên cứu độc lập tại Đại học Gothenburg, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công nghệ tiên tiến để thu thập dữ liệu về vùng biển bao quanh băng biển Nam Cực.

Nhờ hải cẩu mà chúng ta thấy được tác động của những dòng hải lưu phía trên bên dưới lớp băng đại dương. 
Nhờ hải cẩu mà chúng ta thấy được tác động của những dòng hải lưu phía trên bên dưới lớp băng đại dương. 

Các dòng hải lưu quá nhỏ để xuất hiện trong dữ liệu của vệ tinh và của các con tàu được phát hiện có tác động qua lại với các cơn bão lớn ở Nam Đại Dương và các quá trình vật lý xảy ra dưới lớp băng đại dương.

“Lần đầu tiên sử dụng dữ liệu được thu thập bởi hải cẩu, chúng tôi có thể thấy được tác động của những dòng hải lưu phía trên bên dưới lớp băng đại dương. Điều này thực sự mang lại hiểu biết quý giá về những gì trước đây hoàn toàn chưa được biết đến ở Nam Đại Dương”, tiến sĩ Louise Biddle cho biết.

Nghiên cứu cho thấy các dòng hải lưu phía trên có ảnh hưởng đáng kể đến đại dương trong suốt mùa đông, mùa được cho là tương đối yên tĩnh.

Nghiên cứu tiết lộ rằng khi các cơn bão giảm dần và gió yếu đi, các dòng hải lưu phía trên được phát hiện gần đây bắt đầu trở nên mạnh hơn nhiều. Các dòng này thúc đẩy tốc độ hòa trộn đại dương và quá trình vận chuyển nhiệt, cacbon và chất dinh dưỡng khắp Nam Đại Dương.

“Những robot đại dương mới này, được gọi là tàu lượn, được kiểm soát riêng biệt bằng vệ tinh trong nhiều tháng đã cho phép chúng tôi đo đại dương với độ phân giải cao chưa từng thấy. Các phép đo đã tiết lộ mối liên hệ vật lý mạnh mẽ giữa khí quyển và đại dương”, Giáo sư Sebastiaan Swart cho biết.

“Thật tuyệt vời khi chúng tôi có thể điều khiển những con robot này ở những nơi xa xôi nhất trên thế giới - vùng biển quanh Nam Cực - trong khi vẫn thu thập dữ liệu khoa học mới”.

Nhìn chung, những nghiên cứu này mang lại cái nhìn mới mẻ về các quá trình của đại dương ở quy mô nhỏ mà có tác động đến khí hậu toàn cầu.

Giáo sư Swart cho biết thêm: “Chúng tôi rất muốn phát triển tiềm năng của nghiên cứu này tại Đại học Gothenburg. Đây thực sự là hướng đi dẫn đầu trên thế giới mà chúng tôi nên thực hiện để thu thập một phần dữ liệu trong nghiên cứu khoa học biển”.

Cập nhật: 29/06/2020 Theo Dân Trí
  • 561