Khi sao chổi gây họa

  •  
  • 2.375

Việc các sao chổi di chuyển đến gần Mặt trời không phải là điều gì đó quá lạ lùng.

Trong vài năm trở lại đây, Đài quan sát Mặt Trời và Hệ mặt trời của NASA đã ghi nhận được sự xuất hiện của các sao chổi ở gần Mặt trời với mật độ 3 lần hoặc hơn mỗi tuần. Trên thực tế, hầu hết các sao chổi di chuyển gần mặt trời đều bị "bốc hơi" một cách nhanh chóng. Thế nhưng một giả thiết được đặt ra là liệu nếu một sao chổi có thể tấn công Mặt trời hay Trái đất, điều gì sẽ thực sự diễn ra? Mới đây các nhà khoa học đã lên tiếng giải đáp cho câu hỏi đó.

Khi sao chổi "đâm đầu" vào Mặt trời

Những ngôi sao chổi thường bị thăng hoa thành dạng khí và bay hơi vào trong không gian ngay lập tức. Thế nhưng những sao chổi lớn có thể vượt qua được điều đó. Năm 2011, một ngôi sao băng theo đúng nghĩa đen (sao chổi chứa toàn băng) mang tên Lovejoy đã gây sửng sốt cho giới thiên văn học thế giới khi nó đâm đầu và đi xuyên qua vành nhật hoa của Mặt trời mà... vẫn sống sót. Mặc dù nằm gọn trong lớp nhiệt nóng tới vài triệu độ C trong suốt 1 giờ, nó vẫn có thể sống sót và tiếp tục hành trình của mình. Năm 2014, sao chổi mang tên ISON cũng thực hiện được một điều tương tự.

Thực tế thì điều này chưa từng được diễn ra - hoặc diễn ra trước khi loài người có thể ghi nhận được nó. Theo tính toán khoa học, để có thể xâm nhập vào bầu khí quyển tầng khí quyển thấp của Mặt trời, một ngôi sao chổi phải có khối lượng ít nhất là 109kg (nhỏ hơn cả trăm lần so với sao chổi Lovejoy hay ISON). Nếu như nó có thể xâm nhập được vào khí quyển của Mặt trời, lực hấp dẫn của Mặt trời sẽ khiến nó di chuyển với tốc độ 600km/s. Sau đó nó sẽ bị ép gây ra một vụ nổ, phát ra những bức xạ tia cực tím và tia X mà chúng ta có thể đo đạc được bằng công nghệ hiện nay.

Đã có những sao chổi lao vào Mặt trời mà vẫn sống sót.
Đã có những sao chổi lao vào Mặt trời mà vẫn sống sót.

Một vụ nổ như vậy sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn như một con bão từ Mặt trời hoặc một tai lửa Mặt trời. John Brown - người đứng đầu Hội thiên văn Hoàng gia Scotland cho biết: "Nó giống như một quả bom được cho nổ trong bầu khí quyển của mặt trời". Hiệu ứng vụ nổ có thể gây ra hiệu ứng lan truyền trên khắp bầu khí quyển tầng thấp của Mặt trời. Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ là giả thiết của các nhà khoa học bởi từ trước đến nay chúng ta chưa ghi nhận được một thứ gì như vậy cả.

Việc một sao chổi đâm vào Mặt trời là hoàn toàn có thẻ xảy ra, và nó có thể sẽ trở thành sự kiện gây chú ý của giới khoa học toàn cầu. Những vụ va chạm với sao chổi đều khiến chúng ta phải lưu ý, cũng giống như vụ sao chổi Shoemaker-Levy 9 đâm đầu vào sao Mộc và bị nuốt chửng hoàn toàn bởi hành tinh này.

Khi sao chổi tấn công Trái đất

Theo RT, những phát hiện gần đây về hàng trăm sao chổi khổng lồ rìa ngoài hệ Mặt trời khiến các nhà thiên văn học phải đưa ra hồi chuông cảnh báo. Họ cho biết, những vật thể này di chuyển theo quỹ đạo không ổn định và có thể tràn vào bên trong hệ Mặt trời tạo ra những mảnh vỡ sao chổi gây ra mối nguy "không thể tránh khỏi" đối với Trái đất.

Các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu thiên văn học Armagh ở Ireland và đại học Buckingham cảnh báo, việc phát hiện hàng trăm sao chổi ngoài hệ hành tinh của chúng ta trong hai thập kỷ gần đây làm tăng nguy cơ sự sống trên địa cầu có thể bị xóa sổ bởi các mảnh vỡ sao chổi hơn là tiểu hành tinh. Họ công bố nghiên cứu trong tạp chí A&G ấn bản tháng 12/2015 của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh. Theo nghiên cứu, hàng trăm sao chổi khổng lồ có bề ngang từ 50-100km, thậm chí lớn hơn đang di chuyển trên quỹ đạo hình elip không ổn định xuyên qua quỹ đạo của những hành tinh lớn như sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương.

Nguy cơ sự sống trên địa cầu có thể bị xóa sổ bởi các mảnh vỡ sao chổi lớn hơn là tiểu hành tinh.
Nguy cơ sự sống trên địa cầu có thể bị xóa sổ bởi các mảnh vỡ sao chổi lớn hơn là tiểu hành tinh.

Trường hấp dẫn của những hành tinh lớn có khả năng đẩy những thiên thể này, còn gọi là hành tinh vi hình (centaurs), khỏi quỹ đạo của nó về phía Trái Đất. Hành tinh vi hình là lớp quỹ đạo không ổn định của các hành tinh nhỏ mang đặc điểm của cả tiểu hành tinh và sao chổi. "Trong lúc tiến sát vùng không gian gần Trái đất, có thể chúng sẽ vỡ thành bụi và những mảnh lớn tràn vào bên trong hệ Mặt Trời, gây ra những tác động không thể tránh khỏi đối với hành tinh của chúng ta", nhóm nghiên cứu cho biết.

Hành tinh vi hình như một quả bóng chứa đầy băng và bụi, có khối lượng lớn hơn toàn bộ quần thể tiểu hành tinh sượt qua Trái đất từng phát hiện cho đến nay. "Trong ba thập kỷ qua, chúng tôi đã nỗ lực theo dõi và phân tích nguy cơ xảy ra va chạm giữa Trái đất và tiểu hành tinh", giáo sư Bill Napier, đại học Buckingham cho biết. Ông nhấn mạnh, cần phải tìm hiểu các vùng xa hơn quỹ đạo sao Mộc để tìm hành tinh vi hình vì chúng có thể là mối nguy tiềm ẩn và đây là lúc cần tìm hiểu thêm về chúng.

Các nhà thiên văn học tính toán rằng, một kịch bản va chạm có thể xảy ra theo chu kỳ 40.000 - 100.000 năm. "Một số đại thảm họa tuyệt chủng trong quá khứ, ví dụ như sự tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước, có thể liên quan đến giả thuyết Trái đất va chạm với sao chổi khổng lồ này", nhóm nghiên cứu nói sau khi so sánh nhiều ghi chép của các nhà địa chất và cổ sinh học.

Cập nhật: 04/07/2017 Theo giaoducthoidai
  • 2.375