Lần đầu tiên ở VN, một bệnh nhân bị rối loạn tâm thần thể hoang tưởng đã được y học can thiệp thành công bằng ca mổ, điều còn mới mẻ ngay với cả thế giới.
Kỳ tích này vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại - Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định lập nên.
Người được phẫu thuật thành công là anh Hoan, 28 tuổi, ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM. Hiện anh đã hồi phục sức khoẻ, tinh thần ổn định, ăn uống, sinh hoạt bình thường và quan trọng nhất là đã hết… hoang tưởng.
Theo bác sĩ Đào Văn Nhân, Phó trưởng Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, hoang tưởng là một trong rất nhiều thể của bệnh rối loạn tâm thần. Người bệnh thường có những biểu hiện như đăm chiêu, khẩn trương, lo lắng vu vơ lạ thường…
Cũng theo bác sĩ Nhân, phẫu thuật thần kinh chấn thương và thần kinh bệnh lý đã phát triển từ lâu, nhưng phẫu thuật thần kinh chức năng như trong trường hợp này ngay cả trên thế giới cũng chỉ mới bắt đầu được nghiên cứu, phát triển.
|
Anh Hoan đang nói chuyện vui vẻ với người thân sau ca mổ 3 ngày. Ảnh: Kiều Mi. |
Các triệu chứng của bệnh hoang tưởng lần lượt xuất hiện với Hoan từ ngày 30/4/2002 khi đang học năm hai, Trường Đại học Hàng hải, bà Xuân, mẹ của anh nhớ lại. Lúc đầu, Hoan chỉ bị đau đầu, gia đình cứ nghĩ con bị viêm xoang nên chỉ dùng thuốc trị viêm xoang. Tuy nhiên, bệnh ngày một nặng. Hoan bắt đầu có những biểu hiện ít ngủ, mặt buồn rầu, đăm chiêu khó hiểu.
Sau đó, Hoan bắt đầu có những lời nói rất không bình thường. Lúc thì cậu nghĩ mình là lãnh đạo, từ giọng nói đến điệu bộ cũng hết sức trang trọng trông rất buồn cười, lúc lại lo sợ kẻ nào đó rình rập định ám sát mình. Thậm chí có lúc Hoan còn đòi bố mẹ đuổi hết người giúp việc trong nhà vì sợ họ… ám sát.
“Có bệnh thì vái tứ phương”, cha mẹ Hoan đã lặn lội đưa con chạy chữa khắp nơi, ngay cả ra nước ngoài, nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm.
Điều mà ông Lâm, bố của Hoan buồn nhất là con đường học vấn của con trai dang dở. Ông cho biết, trước khi bị bệnh, Hoan học rất giỏi. Năm 2000 thi đậu 2 trường đại học, sau đó cậu quyết định chọn trường Hàng hải. Trong quá trình học, Hoan cũng luôn là sinh viên có hạnh kiểm và học lực tốt. Thế mà đùng một cái lại ngã bệnh.
Khi bệnh bắt đầu nặng, Hoan bỗng nhiên rất thích tiền. Lâu lâu lại đòi bố mở két cho xem tiền và có vẻ rất thích thú. Hoan cũng rất sĩ diện và tự cao khi đòi bằng được cha mẹ mua cho một ngôi nhà đứng tên mình và cắt khẩu nhập về ngôi nhà này. Hoan còn đòi bố cho “làm việc” ở công ty gia đình để hàng tháng nhận lương chứ không muốn xin tiền bố mẹ…
Sau nhiều năm chữa trị bất thành, cơ hội trở lại bình thường với Hoan đã đến khi gia đình tiếp xúc với Bệnh viện đa khoa Bình Định. Để thực hiện thành công ca mổ kéo dài 4 tiếng này là cả một quá trình chuẩn bị hết sức công phu của các bác sĩ.
|
Các bác sĩ tiến hành ca mổ cho Hoan tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Ảnh: Kiều Mi. |
Bác sĩ Đào Văn Nhân, một trong 5 thành viên của kíp mổ cho biết, đây là một ca phức tạp vì vị trí cấu trúc giải phẫu rất khó.
"Trước khi mổ, chúng tôi phải tiến hành đồng thời chụp CT và chụp MRI, để vận dụng điểm mạnh của mỗi loại. Sau đó “trộn” 2 kết quả lại với nhau, dùng hệ thống định vị để chọn điểm vào (vị trí để mổ). Có như thế mới tránh được tổn thương não, tránh gây ra các biến chứng sau khi phẩu thuật cho bệnh nhân".
Ba ngày sau khi được phẫu thuật, Hoan trông rất lanh lợi, cười nói vui vẻ khi được mọi người hỏi chuyện. Anh còn hát cho một vài bài mà mình yêu thích và nhớ được cả tên những bài hát này.
Tiến sĩ Phạm Tỵ, Giám đốc bệnh viện, người trực tiếp thực hiện ca mổ đầu tiên này không giấu tự hào:
"Từ trước đến nay, chưa có bệnh viện cấp 1 nào ở nước ta mổ thành công đối với các bệnh nhân tâm thần, nhưng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã mổ thành công 3 trường hợp và đây là trường hợp đầu tiên bệnh nhân bị tâm thần ở thể hoang tưởng".
Tiến sĩ Tỵ cũng khẳng định các dạng bệnh thần kinh, ngay cả thần kinh chức năng, hoàn toàn có thể mổ thành công, giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng. Thành công trên đã mở ra một triển vọng mới cho những bệnh nhân tâm thần khác.