Các nhà khoa học cảnh báo lò sưởi đốt củi có thể sinh ra các chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ung thư.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho rằng, việc hít phải các chất hóa học sinh ra từ lò sưởi đốt củi cũng có tác hại tương tự việc hít phải khí thải ô tô hay từ các nhà máy công nghiệp.
“Các chất hóa học độc hại từ khói củi đốt có thể gây ra bệnh tim mạch và ung thư phổi. Bởi vì những hạt vật chất này rất nhỏ, có thể theo đường hô hấp đi sâu vào các cơ quan trong cơ thể chúng ta. Những chất hóa học này sau đó sẽ dần phá hủy các DNA, dẫn tới những bệnh nguy hiểm”, tiến sĩ Steffen Loft, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên báo Telegraph.
Tiến sĩ Steffen Loft và các cộng sự đã tiến hành so sánh không khí ở một ngôi làng của Đan Mạch có nhiều hộ dân sử dụng lò sưởi đốt củi vào mùa đông với không khí ở những vùng xung quanh không có lò sưởi đốt củi. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phân tích các chất hóa học trong khói đốt củi.
Sau đó, họ tiến hành thí nghiệm các chất hóa học thu được trên những tế bào của cơ thể người trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, không khí ở khu làng có nhiều lò sưởi đốt củi phá hủy các tế bào và DNA nhiều hơn không khí trong lành ở các vùng xung quanh.
Tiến sĩ Steffen Loft nhấn mạnh, mặc dù khói từ các lò sưởi đốt củi không gây ra các ảnh hưởng về sức khỏe ngay lập tức, nhưng một số người dân sống trong ngôi làng có nhiều lò sưởi đốt củi đã bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bất thường về sức khỏe như cảm thấy khó thở, hen suyễn, viêm phổi, ...
Để hạn chế tác hại do khói từ lò sưởi đốt củi gây ra, các nhà khoa học khuyên những gia đình có lò sưởi đốt củi chỉ nên sử dụng củi khô và cắt thành những miếng nhỏ, đảm bảo có đủ không khí vào lò để củi cháy tối đa.