Không nên lấy ráy tai

  •   3,73
  • 5.365

Chất vàng dính nhớp nằm sâu trong tai bạn không có gì xấu xa mà phải vứt bỏ. Hãy cứ để nó nguyên ở đó, các bác sĩ Mỹ khuyến cáo.

"Thực tế, ráy tai có vai trò và bạn không cần phải lấy nó ra, cứ để nguyên nó ở đó", Peter Roland, một bác sĩ về tai, mũi họng ở Trung tâm Y khoa Southwestern, Đại học Texas ở Dallas, cho biết.

Không nên lấy tăm bông ngoáy tai. Ảnh: LiveScience.

Roland đứng đầu nhóm các bác sĩ đưa ra khuyến cáo mới về ráy tai, được Viện khoa học Tai Họng Mỹ công bố. Khuyến cáo có hai mục đích: để xác định trường hợp nào cần lấy ráy tai, và giúp các bác sĩ hiểu khi nào thì phương pháp lấy ráy tai có hiệu quả. 

Rất nhiều người tìm đến bác sĩ khi ráy tai quá nhiều hoặc bị nẹn chặt. Họ cho rằng ráy tai nẹn chặt có thể gây đau, ngứa, tức, có mùi hôi, chảy mủ tai và trong trường hợp nghiêm trọng có thể làm điếc.

Thực ra, ráy tai là một tác nhân có khả năng tự làm sạch, với đặc tính kháng khuẩn, bôi trơn và bảo vệ, các bác sĩ cho biết.

Đó là lý do vì sao các tuyến nhỏ xíu trong các kênh ở tai ngoài liên tục tiết ra chất nước, trộn lẫn với một chút tóc và da chết tạo thành ráy tai. Phần ráy tai thừa thường di chuyển chậm chạp ra khỏi kênh tai, với sự hỗ trợ của động tác nhai và các cử động hàm khác, mang theo bụi và các chất bẩn. Sau đó nó khô thành cục và rơi ra khỏi vành tai.

Khi quá trình di chuyển tự nhiên của ráy tai bị rối loạn, hoặc khi người ta dùng tăm bông chọc vào trong tai, ráy tai có thể tích lại và chẹn một phần của kênh tai.

Chính vì thế, bác sĩ khuyến cáo bạn nên để cái tai được yên, trừ phi có những triệu chứng cho thấy ráy đã chất đầy trong tai. Và nếu phải ngoáy tai ở nhà, bạn nên dùng các dịch lỏng hỗ trợ (dịch sẽ làm lỏng ráy tai và nó dễ trôi ra ngoài hơn).

Theo T. An - VnExpress (LiveScience)
  • 3,73
  • 5.365