Không nên ngồi bồn cầu quá 3 phút

  •  
  • 2.090

Các chuyên gia khuyên mỗi lần đi ngoài chỉ nên ngồi từ 2 đến 3 phút, nếu lâu hơn làm gia tăng gánh nặng lên hậu môn - trực tràng gây bệnh.

Theo Health Sina, nhiều người cho rằng đàn ông dễ bị trĩ hơn phụ nữ vì hậu môn của nam giới nhỏ hơn nên nhạy cảm hơn với yếu tố nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Sun Li, giám đốc trung tâm điều trị hậu môn trực tràng bệnh viện Trịnh Châu khẳng định ngược lại: Cấu tạo cơ thể của phụ nữ phải đảm nhận chức năng sinh sản nên dễ mắc trĩ hơn nam giới. Hơn nữa chị em ngại nên thường giấu bệnh không đi khám dẫn đến không điều trị kịp thời, bệnh dễ tiến triển nặng.

Phụ nữ đại tiện thường lâu hơn nam giới, dễ bị táo bón và các bệnh lý hậu môn trực tràng. (Ảnh minh họa: Health).
Phụ nữ đại tiện thường lâu hơn nam giới, dễ bị táo bón và các bệnh lý hậu môn trực tràng. (Ảnh minh họa: Health).

Theo bác sĩ Sun Li, do khác biệt về mặt giải phẫu sinh lý, vùng chậu của phụ nữ có thêm tử cung, đè ép lên trực tràng khiến trực tràng nghiêng về phía sau, độ cong tăng lên. Do vậy phụ nữ đại tiện thường lâu hơn nam giới, dễ bị táo bón và các bệnh lý hậu môn trực tràng. Khi mắc bệnh phụ khoa, mang thai, bệnh hậu sản chị em thường đồng thời bị bệnh về hậu môn trực tràng. Khi mang thai, thai nhi đè ép lên trực tràng, dẫn đến tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng bị trào ngược, hình thành bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch trĩ.

Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh hậu môn trực tràng là 59,1%, trong đó bệnh trĩ chiếm 87,25%. Tỷ lệ người trên 50 tuổi mắc bệnh hậu môn trực tràng chiếm 60 đến 70%. Tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới 13,1%. Một trong những nguyên nhân gây bệnh về hậu môn trực tràng là thói quen đi đại tiện quá lâu.

Các chuyên gia khuyên nên duy trì thói quen đi vệ sinh trong vòng 3 phút mỗi lần. "Thời gian đi vệ sinh hợp lý là 2 đến 3 phút, tối đa 5 phút cho những trường hợp bị bệnh tiêu hóa. Thế nhưng ngày nay người ta có thể ngồi từ 15 đến 20 phút với thiết bị di động trên tay, làm gia tăng gánh nặng lên hậu môn trực tràng", bác sĩ Sun Li khuyến cáo.

Khi đại tiện, mỗi cm đường ruột chịu hàng chục kg áp lực của cả cơ thể. Nếu thường xuyên đọc báo hoặc hút thuốc khi đại tiện sẽ kéo dài thời gian, lâu ngày gây sa niêm mạc ruột, táo bón, trĩ và các bệnh khác. Vì vậy, tốt nhất nên tập trung giải quyết dứt điểm "nỗi buồn" trong vòng 3 phút.

Cập nhật: 23/08/2016 Theo VnExpress
  • 2.090