Không phải hoàng hôn, bình minh nào cũng đỏ rực đâu, mọi chuyện đều có lý do

  •   4,84
  • 2.314

Đúng là bầu trời khi bình minh và hoàng hôn sẽ trở nên huyền ảo với tông đỏ cam chủ chốt, nhưng không phải lúc nào cũng đỏ rực lên được.

Chẳng phải tự nhiên mà đôi lúc con người ta lại muốn dậy sớm đón bình minh, hoặc tìm một khoảng trời quang đãng bình yên nào đó ngắm nhìn Mặt trời lặn xuống. Âu cũng vì thời khắc đó thật huy hoàng, rực rỡ một sắc đỏ lãng mạn, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho giới nghệ thuật thoả mình sáng tạo.

Nhưng tại sao chỉ khi hoàng hôn với bình minh, bầu trời mới có màu sắc đó? Trong khi cả một ngày trời, ông (Mặt trời) thiêu đốt chúng tôi bằng những tia nắng chói chang khiến chẳng ai muốn ra đường?


Tại sao không mãi đẹp như thế này?

Động thái "vừa đấm vừa xoa" của ông Mặt trời đã tồn tại từ rất lâu rồi, còn khoa học ngày nay cũng đã có lời giải cho nó.

Vì sao bầu trời biến thành màu đỏ rực khi bình minh và hoàng hôn?

Bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm Mặt trời nằm thấp hơn đường chân trời. Hay nói cách khác, lúc này ánh sáng từ quả cầu lửa ấy sẽ phải vượt qua nhiều lớp khí quyển hơn mới có thể chạm đến chúng ta.

Khi vượt qua bầu khí quyển, ánh Mặt trời (vốn có màu trắng) sẽ bị tán xạ, do các khí và các phân tử bụi, khói... có trong đó. Vào các thời gian khác trong ngày, nó sẽ chuyển thành màu xanh - đó là lý do vì sao chúng ta nói "bầu trời trong xanh".

Nhưng đi qua càng lâu, mức tán xạ càng lớn, và các sóng ánh sáng xanh sẽ bị tán xạ nhiều nhất. Thế nên ánh sáng chạm đến mắt chúng ta khi hoàng hôn và bình minh sẽ có màu đỏ và vàng nhiều hơn.

Ngoài ra, vào những ngày thời tiết khô, các phân tử khói bụi trong không khí cũng nhiều hơn. Trong những ngày thời tiết như vậy, bạn sẽ thấy sắc đỏ ở 2 thời khắc này tuyệt vời hơn bình thường.

Nhưng không phải hoàng hôn, bình minh nào cũng đỏ rực

Một trong những yếu tố biến hoàng hôn và bình minh thành hai thời khắc đáng ao ước được chiêm ngưỡng, đó là mây.

Trong một ngày nhiều mây, ánh sáng có rất nhiều đợt phản xạ liên tục giữa các đám mây, và nó biến cả bầu trời trở thành màu đỏ rực như máu. Ngược lại, hoàng hôn hoặc bình minh khi ít mây thì vẫn sẽ đỏ, nhưng pha vàng nhiều hơn.


Trời nhiều mây có thể tạo ra một thời điểm hoàng hôn huy hoàng như thế này.

Khi thấy bình minh có màu đỏ rực, nhiều khả năng các khu vực phía Đông sẽ không có mây, và thời tiết cũng nắng đẹp. Bởi vì để được như vậy, các tầng mây cao đã được đẩy về phía Tây rồi.

Còn với hoàng hôn đỏ rực, thì các khoảng trời về phía Tây sẽ đẹp hơn, vì mây đang được đẩy về phía Đông.

Cập nhật: 23/07/2018 Theo helino
  • 4,84
  • 2.314