Việc nước chứa phóng xạ hạt nhân trong nhà máy điện Fukushima I của Nhật Bản chảy ra biển không gây nguy hiểm cho động vật biển cũng như những người ăn chúng, các nhà khoa học khẳng định.
Hôm qua các công nhân trong nhà máy điện Fukushima I bắt đầu bơm khoảng 11.500 tấn nước chứa chất phóng xạ ra Thái Bình Dương để lấy chỗ chứa nước có nồng độ nhiễm phóng xạ cao hơn thoát ra từ một vết nứt ở lò phản ứng số 2.
Quyết định này, cộng với việc nước nhiễm phóng xạ trong nhà máy đã chảy ra biển từ nhiều ngày trước, khiến nhiều người lo ngại chất phóng xạ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái biển, đồng thời mang đến hiểm họa cho những người ăn hải sản. Song một số nhà khoa học nói dư luận không nên quá lo lắng.
William Burnett, một nhà khoa học của Đại học Florida tại Mỹ, nói với AP rằng đại dương rất rộng lớn nên khi chất phóng xạ xâm nhập vào nước biển, nồng độ của nó giảm xuống mức máy dò phóng xạ hầu như không nhận thấy.
Một chuyên gia làm việc trong vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima I hôm 2/4. Ảnh: CTV News.
Trong vùng nước cách nhà máy từ khoảng 1.000 m trở xuống thì động vật biển có nguy cơ bị biến đổi gene nếu phơi nhiễm phóng xạ trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, những động vật biển sống bên ngoài phạm vi đó không đối mặt với bất kỳ nguy cơ nghiêm trọng nào.
Ken Buesseler, một chuyên gia của Viện Hải dương Woods Hole tại Mỹ, nói rằng các chỉ số phóng xạ iốt và cesium cho thấy nồng độ hai chất phóng xạ ở khu vực cách bờ 30 km thấp hơn khoảng 1.000 lần so với vị trí sát bờ.
Nồng độ phóng xạ trong cơ thể động vật biển có thể lên tới mức mà máy móc phát hiện ra, nhưng không gây nên hiểm họa về sức khỏe đối với con người. Ăn hải sản nhiễm phóng xạ không nguy hiểm bằng việc uống nước hay ăn rau, quả nhiễm phóng xạ.
Ngoài ra giới chức Nhật Bản cũng cấm đánh bắt cá ở khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Igor Linkov, một giáo sư bộ môn cơ khí và chính sách công của Đại học Carnegie Mellon tại Mỹ, cũng nói việc nước nhiễm phóng xạ chảy ra đại dương không gây tác động lớn tới hệ sinh thái biển và những người ăn hải sản.
Vị giáo sư đồng ý rằng những động vật gần nhà máy có thể chịu tác động bởi chất phóng xạ. Tuy nhiên, chẳng ai có thể chỉ rõ những tác động ấy là gì, bởi chúng ta không biết nồng độ phóng xạ trong nước biển. Trong mọi tình huống, phần lớn động vật biển vẫn có cơ hội thoát khỏi tác động của chất phóng xạ bởi chúng di chuyển nên không bị phơi nhiễm liên tục. Nguy cơ phơi nhiễm liên tục chỉ xảy ra với những động vật không di chuyển như trai, sò.